Thưởng thức đặc sản phố núi giữa Sài Gòn

Thứ Bảy, 13/10/2012 09:22

2,577 xem

0 Bình luận

(0)

2121

Ẩm thực phố núi đặc trưng là những món ăn dân dã vốn có sức hút riêng và làm hài lòng người thưởng thức. Amthuc365.vn xin mách bạn một số món mà bạn có thể thưởng thức ở Sài Gòn.

Phở khô Gia Lai

Nói đến ẩm thực Gia Lai phải nói đến phở khô. Người dân ở đây đã sáng tạo nên món ăn này và tự hào mang đến cho người thưởng thức một hương vị rất riêng. Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô, đây là món ăn đặc trưng của người dân phố núi. Phở có tên gọi hai tô là gồm một tô bánh phở và một tô nước súp. Khác với bánh phở của người Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai, nhờ đó khi trộn chung với các loại gia vị khác, bánh phở sẽ không bị nát.

Khi đem ra cho khách, bánh phở sẽ được chần chín và để riêng, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước súp được để riêng trong một tô, bạn có thể ăn với thịt bò tái, bò viên hoặc là thịt gà. Đặc biệt, nước súp của phở khô Gia Lai được làm không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng.

Khi ăn, bạn phải trộn đều bánh phở với tương ớt, tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái. Rau ăn chung là xà lách, rau cần, giá chần và rau húng.

Gỏi đu đủ gan bò

Gỏi đu đủ gan bò là món ăn rất phổ biến ở phố núi, được chế biến đơn giản với hai thành phần chính là đu đủ và gan bò. Trước hết, phải chọn đu đủ già, mới hái, thịt còn cứng, khi bào ra sợi mới giòn, ngon. Bổ đôi trái, bỏ hạt, bào thành sợi nhỏ ngâm vào nước lạnh có vắt chanh, muối để hết mủ và đắng. Xả nước lã và vắt ráo nước đổ ra rổ.

Gan bò thái thành từng lát cỡ hai ngón tay, rửa sạch bằng nước muối có pha giấm. Để ráo, ướp gan bò với nước tương, tiêu, đường, muối, bột ngọt, một ít sả, tỏi bằm và chút bột cà ri, để trong vòng mấy tiếng cho gia vị thấm đều.

Cho chảo dầu lên bếp, chờ dầu nóng bỏ gan vào chiên. Khi gan đã vàng hai mặt thì vớt ra, cho vào một chiếc chảo khác. Đổ phần nước ướp gan bò còn lại vào chảo, chế nước dừa tươi vào ngập phần gan, canh lửa nhỏ đến khi cạn hết nước dừa thì tắt lửa.

Lấy một chiếc đĩa, cho đu đủ bào, gan bò thái nhỏ vừa ăn, rắc rau thơm lên, trộn đều với nước mắm chanh tỏi ớt và thưởng thức. Ngoài hai thành phần chính, nước mắm sẽ quyết định hương vị thơm ngon của món ăn. Nước mắm pha phải thật nhạt, đảm bảo có đầy đủ các hương vị: ngọt thơm của nước mắm, chua chua hấp dẫn của giấm, cay the nhưng không quá nồng của ớt.

Dùng đũa trộn đều, gắp một ít gỏi và thưởng thức. Cái hấp dẫn của món ăn chính là sự kết hợp hài hòa giữa vị giòn giòn cùa đu đủ bào, cái giòn mềm đậm vị của gan bò với vị chua, cay, mặn, ngọt vừa như tách biệt, vừa như hòa quyện vào nhau của nước mắm.

Lụi phố núi

Đây là món ăn chơi đơn giản nhưng rất nổi tiếng với giới trẻ ở phố núi Pleiku. Lụi là từ địa phương (một động từ, tương tự như từ xiên), người dân ở đây dùng hình thức chế biến để đặt tên cho món ăn. Món ăn với bánh tráng mỏng, bên trong cuộn một ít hỗn hợp thịt xay, nấm mèo, cuộn nhỏ lại, dùng một cây tre nhỏ lụi qua, nướng trên bếp than hồng.

Lụi được chế biến với hai thành phần chính là bánh tráng và thịt heo. Thịt heo mua về được rửa sạch, băm nhỏ trộn chung với nấm mèo thái nhỏ. Dùng một miếng bánh tráng mỏng, cho vào một ít hỗn hợp đã chế biến, gói lại hình chữ nhật, gần bằng ngón tay út người lớn.

Sau khi chuẩn bị xong, dùng que tre nhỏ lụi qua từng miếng và nướng trên bếp than hồng. Khi nướng, nhớ trở đều tay để những cây lụi không bị cháy sém. Khi lớp bánh tráng bên ngoài được nướng giòn vàng, tỏa hương ngào ngạt thì lấy xuống, cho vào đĩa và thưởng thức với mắm me.

Nước chấm là một điểm cộng của món ăn, vị chua chua, ngọt ngọt nhưng hơi cay cay làm thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa. Trong cái khi trời se se lạnh của phố núi, vừa ngồi co ro bên bếp than hồng vừa thưởng thức những que lụi nướng nóng hổi, giòn rụm thì không còn gì thú vị bằng.

(Theo Ngoisao)

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading