Ngói – đặc sản Việt Nam đã đi vào dĩ vãng

Thứ Năm, 28/03/2013 12:00

7,791 xem

0 Bình luận

(0)

1862

Ngói là tên gọi được dân gian dùng để chỉ món ăn được làm từ đất. Ở nhiều vùng như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người ta ăn đất thành nghiện, giống như hút thuốc lào, ăn trầu vậy. Trước đây, ngói được bày bán ở chợ như một thức quà được yêu thích. Ngày nay, món bánh ngói đã chẳng còn người ăn, thậm chí trở nên xa lạ với chính người dân bản địa.

Bánh ngói là món lạ, món quý đối với những người ở xa, nhưng đối với người Vĩnh Phúc, Phú Thọ thì nó vô cùng gần gũi. Nếu như những người ở Bắc Giang, Hà Giang phải nhờ người mua bánh ngói như một thứ đặc sản thì người dân vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ có thể thưởng thức món ăn độc đáo này hàng ngày.

Đất được dùng để làm bánh ngói không phải là loại đất ta thường thấy. Đất ấy chỉ xuất hiện ở nơi có địa chất đặc biệt. Nổi tiếng về loại đất này là đồi Vàng ở Vĩnh Phúc. Người dân đào đất ở độ sâu vài mét để tìm loại “ngói” có màu vàng sậm. Mang loại đất này ra, cạo sạch lớp vỏ bên ngoài sẽ được một khối có màu trắng như cơm nắm. Đó mới là nguyên liệu chính của món ngói.

Ngói có màu trắng như cơm nắm (Ảnh: internet)

Nguyên liệu của món ngói không phải nơi nào cũng có được. Có ngói để chế biến đã khó, chế biến ngói đúng kiểu, hấp dẫn cũng cần có những bí quyết riêng. Trước hết, ngói phải được cắt miếng mỏng, vừa tay cầm như cái bánh. Sau đó, các ông các bà ngày xưa đem nướng ngói. Tuy nhiên, ngói không được nướng trực tiếp trên lửa mà hun cây lá cho tỏa khói bắt vào. Bên dưới rổ ngói, người ta lót lá sim, thứ lá của núi rừng. Hun cành tế cho tỏa khói. Khói ấy bắt vào lá sim, từ lá sim lại thấm vào, nhuộm vàng bánh ngói. Không chỉ “lên màu” cho bánh, mùi hương của lá sim, cành tế tạo nên hương thơm độc đáo đặc trưng rất riêng. Nét tinh tế của bánh ngói là ở chỗ đấy.

Ngói sau khi chế biến xong có vị bùi bùi, càng nhai càng thấy thấm vị ngon của đất mẹ và hương thơm của núi rừng. Ăn đất được coi là một phong tục của người Việt Nam. Nhiều người chưa từng thưởng thức món ăn độc đáo này vẫn có thái độ kì thị không nên có. Các nhà khoa học đã nhận thấy trong ngói có các canxi, tốt cho xương. Từ rất lâu, bánh ngói đã có vị trí nhất định trong đời sống của nhân dân trong vùng. Trong “Lĩnh Nam chích quái” có viết thời Hùng Vương, “việc hôn lễ lấy gói đất làm đầu”. Phải chăng, gói đất ấy chính là bánh đất?

Ngói có vị bùi bùi, thấm vị ngon của đất mẹ và hương thơm của núi rừng (Ảnh: internet)

Tục ăn đất gắn liền với bánh ngói đã biến mất ở Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đây đã từng là món ăn ưa thích, một đặc sản độc đáo của nước ta. Nghe nói, ở châu Phi, vùng đất đỏ Tanazia người ta cũng ăn đất. Đất ở đấy họ mang về lọc bỏ sạn rồi hòa cho nhão trong nước, lọc lấy bột rồi nướng lên thành bánh. Cùng là bánh làm từ đất nhưng chắc hẳn chất đất ở Tanzania và Việt Nam có khác nhau. Thêm vào đó, bánh đất ở vùng châu Phi ấy không thể có hương vị của cây rừng, lá rừng đậm phong vị Việt Nam như bánh ngói. Chợt nghĩ, nếu bánh ngói được quay trở lại đời sống, được giới thiệu tới bạn bè năm châu thì du lịch Việt Nam sẽ có thêm một điều hấp dẫn đối với những vị khách ưa tìm tòi, khám phá.

PV - Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Bếp xưa

Đang tải dữ liệu loading