Ngọt ngào hương chè nén của mẹ
Mỗi lần mẹ làm chè nén, tôi thường mon men phụ những việc vặt. Nấu chè nén phải tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Mẹ lấy một lượng nén sao cho vừa đủ số chén chè cần nấu rồi cẩn thận bóc bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, đem rửa nén thật sạch, dùng tăm nhọn đâm quanh những củ nén nhỏ. Nén được cho vào chén, thêm đường bát (đường đen) vừa đủ rồi chưng cách thủy. Mẹ nói, thời gian nấu càng lâu thì nén càng tiết ra nhiều tinh dầu, chè càng ngon ngọt, hương thơm càng đượm, ăn vào sẽ có tác dụng giải cảm.
Chè nén phải ăn ngay khi vừa nấu xong. Chén chè nóng hổi, ngát hương với những củ nén bé xinh sóng sánh trong chén nước đường, vừa ngọt vừa thơm, tinh dầu nén xộc lên mũi, lan xuống cổ, ăn đến đâu ấm người đến đó, rất thư thái, dễ chịu, mọi mệt mỏi trong người nhanh chóng tan biến hết. Tuổi thơ tôi lớn lên với những lần cảm vặt mà không cần thuốc men, chỉ ăn chè nén mẹ nấu. Ăn mãi thành quen và ghiền, những hôm mẹ rảnh rỗi tôi lại mè nheo mẹ nấu chè nén cho ăn, dù trong người không hề khó chịu.
Tôi lớn lên xa mẹ, xa quê, vào thành phố trọ học. Lần đầu tiên bị ốm, tôi ra mấy hàng chè gần ký túc xá hỏi mua chè nén nhưng không ai bán. Về phòng nằm ôm chăn mà nước mắt tôi lưng tròng, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ chén chè nén thơm hương, ngọt ngào, ấm nóng… Ngày tôi theo chồng, hành trang mẹ trao cho tôi không thiếu công thức nấu chè nén. Mỗi khi giao mùa, tiết trời đỏng đảnh, tôi lại cặm cụi nấu chè nén cho gia đình nhỏ thân yêu của mình.
Món chè ngọt ngào, thơm ngon ấy giờ có lẽ đã thành dĩ vãng với nhiều người, nhưng với tôi, nó mãi là tình yêu, là nỗi nhớ, là sự biết ơn đối với bậc sinh thành đã cho tôi những yêu thương ngọt ngào...
Theo phunuonline
Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam
Bình luận