Sài Gòn, thiên đường của bánh mì lạ

Thứ Năm, 19/11/2015 11:22

5,723 xem

0 Bình luận

(0)

3239

Những tín đồ của bánh mì có thể tìm thấy ở Sài Gòn nhiều loại bánh mì biến tấu như bánh mì khô bò, bánh mì phá lấu hay đặc sản bánh mì Hội An… thậm chí bánh mì ngoại như kebab với nhân thịt bò, thịt gà… tha hồ lựa chọn để thưởng thức.

Một ổ bánh mì cỏn con nhưng có thể đem lại xúc cảm hạnh phúc vào mỗi sớm mai cho mọi người khởi đầu ngày mới thật no đủ, hoặc là “nhân vật chính” làm nên những bữa xế ngon lành, gọn gàng cho dân công sở, là bữa khuya của chị công nhân, những người trực ca đêm…

Và đôi khi, bánh mì là món quà vặt mà tụi học sinh hay rủ nhau í ới mua ăn lót dạ sau tiết học.Người ta ăn bánh mì nhiều vì sự dễ chịu dễ tính của nó. Cứ thêm chút nhân bên trong khác một tí là thành món mới. Ngoài bánh mì trứng, bánh mì chả lụa quen thuộc, giờ người ta có bánh mì khô bò, nhân phá lấu, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ… Đó cũng là lý do mà bánh mì ở Sài Gòn nhiều loại đa dạng mà lúc nào cũng đông khách.

Ăn xế với bánh mì khô bò

Vẫn là ổ bánh mì rọc ngang nhưng kẹp vào vài miếng khô bò nâu sậm, rắc chút đậu phộng rang vàng, vài lá rau răm cay cay, thêm chút nước sốt nâu sậm vị hoa hồi, quế ngòn ngọt, chút tương ớt đỏ cay cay đã thành một món bánh mì rất khác.

Bánh mì bò kho

Bánh mì bò kho

Cũng nhờ sự khác biệt với vị của khô bò “nhà làm”, tương ớt, nước xốt “homemade” mà biết bao thực khách cứ quyến luyến rủ nhau tới góc đường Nguyễn Huy Tự đợi cho được xe bánh mì Phương Liên mở cửa, mua cho được ổ bánh. Cầm cái bánh mì trên tay, nhiều người không chờ thêm được nữa phải ăn ngay tại chỗ, có người đợi lâu quá thì lót dạ đỡ đĩa gỏi khô bò đu đủ để chờ bánh mì.

Nhiều người bảo bà bán bánh mì này chẳng thức thời tí nào, thời buổi kinh tế thị trường, bánh mì bán nhan nhản mà nhất định không phục vụ khách trước 3 giờ. Tiệm bánh mì có hơn 15 năm, chỉ bán một loại bánh mì khô bò, không thêm chả lụa hay thịt rim như nhiều tiệm bánh mì phổ thông khác. Cứ đúng giờ bán hàng, bán hết thì nghỉ nhưng không thực khách nào dám buồn lòng vì đâu dễ mà tìm được món ngon, chỉ còn cách sẵn lòng chờ đợi.

Cứ đúng y, đến 3 giờ chiều, xe bánh mì lục tục dọn hàng và ai nhanh chân đến trước mua trước, người bán hàng cứ luôn tay thoăn thoắt gắp miếng khô bò, thêm chút rau răm, nhiều thực khách muốn “thêm chút tương cho đậm”, “tôi ăn nhiều ớt”… cũng cứ từ từ mà chờ. Ai rồi cũng mua được bánh mì ngon, chỉ cần kiên nhẫn đợi, bánh nóng nhà làm, ngon quên mời.

Đặc sản bánh mì Hội An “tiến công” Sài Gòn

bánh mì Hội An

Bánh mì Hội An

Có 2 món đặc sản khi đến Hội An phải thử là cơm gà xé và bánh mì. Ở Sài Gòn từ lâu đã có bán cơm gà, nhưng bánh mì thì chưa thấy, vì cái vị của thịt ram trong nhân bánh rất riêng của Hội An ít người làm được. Khó quá, thì người Sài Gòn mời anh bán bánh mì ở Hội An vào Sài Gòn truyền nghề để mở tiệm. Vậy là từ giờ những kẻ “đạo” bánh mì Hội An không cần đi “ba quãng đồng” vẫn có thể tìm được chút vị mơ, thỏa mãn cái lưỡi kén ăn của những thực khách sành sỏi.

Chuỗi bánh mì Hội An mở ra ở Sài thành. Vẫn giữ nguyên công thức làm thịt ram truyền thống của đất Quảng là dùng thịt sườn heo qua 2 lần tẩm ướp, 2 lần chế biến theo công thức riêng để tạo vị đậm đà. Tương ớt cho vào bánh mì cũng được làm riêng, nước xốt rưới cho thêm nhiều loại thảo mộc để dậy mùi, chút dòn dòn chua ngọt của đu đủ bào sợi làm nên sự khác biệt của bánh. Từ nay, những kẻ mê ăn ở Sài Gòn không còn phải mơ về phố Hội.

Bánh mì nhân phá lấu

Bánh mì nhân phá lấu

Bánh mì phá lấu

Không phải thú linh, dạ dày bò, bánh mì phá lấu Tầm Ký (823 Nguyễn Trãi, Q.5) dùng thịt thủ, tai, lòng heo để làm nhân. Có lịch sử hơn 20 năm, tiệm bánh mì khá khiêm tốn nhưng vị ngon thì không từ nào tả xiết. Đừng xem mặt mà bắt hình dong, thử mua ổ bánh mì 20.000 đồng, có vài miếng bao tử giòn giòn, tai heo sừn sựt, lòng mềm thơm, chút thịt dăm ngọt béo… đắt nhưng xắt ra miếng, ăn no và ngon không tiếc tiền.

Nhiều người lái xe ngang qua mua cả ký phá lấu về để ăn dần mỗi buổi sáng khi không có thời gian chạy ra tiệm, bà chủ biết ý đổi vị cho khách có thêm quả trứng kho, miếng đậu hũ… Một ký thịt thập cẩm giá 260.000 đồng, có bán kèm đồ chua ngâm sẵn, buổi sáng dậy sớm có thể mua thêm bánh mì không bỏ nhân vào ăn lót dạ, hoặc ăn cơm cũng vét hết nồi.

Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ

Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ

Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ

Doner Kebab, loại bánh mì tam giác du nhập vào Sài Gòn gần 10 năm nay bắt đầu từ tiệm bánh mì Thổ trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q.3, TP.HCM). Thời đó, nhiều người sáng sáng, chiều chiều chạy ngang qua con đường nhỏ mua ổ bánh mì tam giác chỗ ông áo trắng đứng xén xiên thịt khổng lồ lúc nào cũng xèo xèo chảy mỡ vàng thơm nứt mũi làm nhân bánh, thêm những muỗng xốt trắng đỏ, ăn kèm bắp cải tím lạ mắt. Ấy vậy mà giờ bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng trở thành món ăn của người bản địa.

Tiệm bánh mì đầu tiên vẫn còn, dẫu các tiệm bánh mì kebab khác có nhân thịt heo phù hợp với dân địa phương thì tiệm bánh mì gốc vẫn giữ nguyên loại nhân thịt gà, thịt bò truyền thống. Tiệm vẫn làm 4 loại nhân cho khách chọn như cũ, ai thích xốt chua ngọt, xốt thảo mộc, mù tạt… thì báo để chủ biết mà thêm, nếu không thì sẽ ăn bánh mì xốt tỏi, loại phổ biến nhất. Vẫn để bắp cải tím, rau xà lách, cà chua, dưa leo thái sẵn trong tủ đông, ai tới chủ sẽ nướng bánh mì cho giòn, thái thịt gà, rưới xốt để ăn cho nóng.

Có chăng tiệm nay cũng hiện đại hơn rồi, con dao thái thịt dài giờ được thay bằng máy cắt, những lúc đông khách thì xén bằng máy, lẹ làng hơn, mà thịt mỏng đều hơn với cắt bằng tay. Dẫu hiện đại hơn một chút nhưng vị xưa vẫn còn, bánh mì vẫn ngon, giá bán từ 25.000 đồng/phần.

Theo Thiên An 

Danh mục bài viết Món ngon Sài Gòn

Đang tải dữ liệu loading