Dùng sắn dây như thế nào là tốt nhất?

Thứ Năm, 30/06/2016 09:22

8,005 xem

0 Bình luận

(0)

2385

Bột sắn dây là loại thức uống dân dã, quen thuộc có tác dụng giải nhiệt. Đặc biệt, bột sắn dây độc tính thấp và không gây đột tử khi sử dụng với mật ong như nhiều người lầm tưởng.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam, nôn ra máu, trĩ xuất huyết, tai ù tai điếc...

Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy trong 100 g bột sắn dây có 0,7 g protein, 84,3 g glucid, 18 mg canxi, 1,5 mg sắt. Sắn dây rất hữu ích trong việc cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc, bảo hộ tế bào gan, chống lão hóa và ung thư.

Bột sắn dây: Uống sống hay nấu chín tốt hơn?

Về cách dùng, thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn cho hay, có thể dùng bột sắn dây theo cách uống sống hoặc nấu chín, tuy nhiên sắn dây sống có công dụng hạ nhiệt tốt hơn.

Đặc biệt, bột sắn dây có độc tính rất thấp, không có tác dụng gây đột biến, nên có thể dùng thường xuyên. Tuy nhiên cần phân biệt sắn dây ta và sắn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, sắn dây Trung Quốc cho lượng bột nhiều hơn nhưng chất lượng giải nhiệt và mùi thơm không tốt bằng sắn ta. Hơn nữa, vì lợi nhuận, người bán thường hay trộn bột sắn thường với bột sắn dây để kiếm lời. 

Chuyên gia này khuyến nghị người dân nên tự mua củ sắn dây tươi, tự chế biến hoặc thuê các cơ sở có uy tín và đảm bảo vệ sinh. 

Không gây đột tử khi dùng chung với mật ong

Đó là khẳng định của lương y Vũ Quốc Trung trước thông tin uống chung bột sắn dây và mật ong gây đột tử. 

Theo ông, bột sắn sau khi tinh lọc chỉ còn tinh bột, khi ăn vào cơ thể chuyển hóa thành đường glucoza. Còn mật ong có thành phần hầu hết là đường glucoza, đường fructoza và một số vitamin, vi lượng, hoạt chất sinh học. 

“Mật ong là chất bổ dưỡng tốt, có tác dụng chữa bệnh về đường ruột và có tính kháng khuẩn nên không hề có hại. Về tương tác với bột sắn dây, hoàn toàn là sự bịa đặt bởi mật ong tính bình, sắn dây tính mát kết hợp với nhau không hề gây ra phản ứng”, lương y Trung cho hay.

Riêng về dị ứng với mật ong, lương y Vũ Quốc Trung cho hay, trường hợp này rất ít khi xảy ra, nếu có cũng gây mẩn ngứa, nổi mề đay, dị ứng, đau bụng, tiêu chảy…

Chuyên gia này cho hay có thể dùng chung bột sắn với chanh, quất, đường phèn...

Một số cách dùng bột sắn dây hiệu quả

- Củ sắn dây thái phiến, phơi hoặc sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 20 – 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút có thể dùng uống thay trà trong ngày. Có thể pha thêm đường phèn để dễ uống hơn.

- Pha bột sắn dây, đường trắng cùng nước sôi để nguội, cho một chút nước cốt chanh hoặc quất. Mùa hè có thể cho thêm đá.

- Củ sắn dây thái phiến và câu đằng lượng bằng nhau, hai thứ đem tán vụn, phơi hoặc sấy khô, trôn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30 g đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt cho những người bị cao huyết áp, đau đầu, nhiệt miệng, cổ vai đau nhức.

- Củ sắn dây 200 g, đan sâm 180 g, bạch linh 90 g, cam thảo 60 g. Tất cả sấy khô tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 40 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là thứ nước giải khát cực tốt cho những người mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng. 

Danh mục bài viết Đồ uống & Sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading