Ô mai mơ hàng Đường

Thứ Ba, 15/02/2011 12:14

5,243 xem

0 Bình luận

(0)

4390

Bà Vinh người gầy nhỏ, bước ra từ con ngõ nhỏ xíu, rộng chừng 1,5m, rất khó nhận ra nó nếu không có biển hiệu mang tên Ngọc Anh. Bà đã 71 tuổi, hai bàn tay khô cong queo, đầy những rám xước, xạm đen - dấu vết của thời gian, của bao nhiêu tháng năm ngâm mơ, xát muối.

Về làm dâu và được bố mẹ truyền lại nghề, khi đó đã có 3 đời nhà họ Phạm làm ô mai. "Ngày ấy, tôi là viên chức, ngày ngày kỳ cạch gõ máy chữ. Ði làm về mệt lắm mà vẫn phải gắng giúp mẹ chồng làm ô mai. Sau này mới biết các cụ thương, cho mình cái nghề, phải cố mà giữ rồi còn để lại cho con cháu".


Ảnh: camnanggiadinh

Bà Vinh làm đủ thứ, từ bánh nước, bánh dẻo mùa Trung thu, rồi cá con giống bằng bột, cho đến các loại mứt quất, táo, hồng bì, chanh muối, khế, dứa... và sở trường là ô mai. Khách hàng của bà chủ yếu là mấy đứa nhỏ trên phố ăn quà vặt, hoặc người quen đặt hàng trước và đặc biệt khách từ Sài Gòn ra mua. "Nào buôn to bán lớn gì đâu. Tôi chỉ làm túc tắc kiếm vài đồng đủ ăn, chứ nhà thì neo người, lại chẳng có cửa hiệu lớn, ai người ta đến mua".

Bà Vinh vui chuyện kể say sưa về những công thức quy trình. Nào mua mơ ở đâu thì ngon, đem về ngâm rồi xát muối thế nào, rồi lại sấy khô, xong, đem xào với gừng, độ lửa to nhỏ thế nào mới hợp lý, lại cho đường vào trộn rồi đem phơi với chút nắng hoặc sấy qua để giữ độ ẩm vừa đủ. "Thực ra, tôi cũng chẳng có bí quyết gì đâu. Có điều mình làm cẩn thận, không bỏ công đoạn, làm đúng như các cụ dạy, và nhất là phải chọn vật liệu cho tốt".


Ảnh: webtretho

Những người đã mua ô mai của bà Vinh thì không muốn mua ở đâu khác. Bởi quả ô mai hiệu Ngọc Anh bao giờ cũng đủ vị cay-mặn-ngọt, lại vẫn chua như quả mơ tươi mà cùi dày, thơm nữa.

Trong con ngõ nhỏ xíu, bà Vinh còn bày một tủ kem bán kèm, lại còn đem nước sôi cho mấy hàng nước, hàng ăn hoặc thợ xây quanh đó, nhặt thêm vài đồng. Hai con trai lớn của bà đã có gia đình, may quá còn cậu út vốn ham thích công việc này từ nhỏ, bây giờ quyết chí theo nghề của mẹ. "Ngày trước, cái nước gừng nấu ô mai còn lại, tôi chắt lọ rồi cho hàng xóm uống chống ho, bây giờ cậu út đã biết dùng nó để làm những loại ô mai khác. Nó tỉ mẩn lắm và cũng sáng kiến. Bọn trẻ bây giờ khá hơn lớp già nhiều".


Ảnh: honglam

Anh Tuấn, con trai bà từng được bà nội giao nhiệm vụ nếm ô mai từ lúc 5,6 tuổi, ngồi cả ngày với bố và các anh để nặn con giống các loại (rồi bị người ta lấy bản quyền mất), có vẻ trăn trở: "Mình phải tìm hướng đi chứ không chỉ nói là giữ nghề chung chung được. Sẽ phải lựa chọn, làm đại trà hay làm tinh xảo. Nếu mẹ làm được quả mứt quất vừa thơm vừa ngon, thì mình phải thêm được vào đó cành, lá và bày biện đẹp đẽ; cũng vậy, con cái mình sau này sẽ giỏi hơn mình...".

Có lẽ khi người ta đã chán ngấy những thứ ô mai Tàu, Thái vừa ngọt lợ vừa đầy mùi hoá chất, khi mà cuộc sống không bị những cái mới lạ bề ngoài lôi kéo thì những món ăn tinh xảo sẽ lại lên ngôi? Ðó có thể chỉ là những quả ô mai xấu xí, nhỏ nhoi nhưng đậm chất văn hoá Hà Nội...

Tiền phong

Danh mục bài viết Món Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading