Luật sư bỏ nghề đi ...nếm rượu

Thứ Ba, 12/07/2011 11:47

1,829 xem

0 Bình luận

(0)

3337

“Hoàng đế rượu vang”, “Giáo hoàng rượu vang”, “Người có cái mũi triệu đô” là những mỹ từ dùng để gọi Robert M. Parker Jr. “một nhà bình phẩm rượu vang hàng đầu thế giới” (đài BBC).

Parker là một người Mỹ bình thường, chưa hề học qua trường lớp nào về rượu vang. Ông cũng là một trong rất ít người nước ngoài nhận từ tay tổng thống Pháp hai huân chương cao quý nhất của nước PhápParker sinh ngày 23-7-1947 và lớn lên ở Monkton, một vùng quê yên tĩnh cách TP Baltimore chừng 30 phút đi xe hơi, bang Maryland. Ông tốt nghiệp khoa luật Trường Đại học Maryland năm 1973. Trong vòng 11 năm, ông hành nghề luật sư tại một ngân hàng tín dụng nông thôn ở Baltimore. Tháng 3-1984, ông xin từ chức để dành trọn thời gian viết sách, nếm và bình phẩm rượu vang, một công việc mà ông bắt đầu từ năm 1975.

Parker -người có cái mũi triệu đô

NGƯỜI BIỆN HỘ RƯỢU VANG.

Parker thật sự quan tâm đến rượu vang từ năm 1967 khi ông bỏ ra một tháng trời đến thăm cô bạn từng học cùng một lớp ở bậc trung học– và sau này là bạn đời – học ở Trường Đại học Strasbourg, tỉnh Alsace của Pháp, nhân dịp nghỉ Giáng sinh. Ý nghĩ xuất bản một cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng rượu vang đến với Parker ngay lúc khởi đầu sự nghiệp viết lách. Lúc đó, những thông tin đáng tin cậy về chất lượng rượu vang rất hiếm, nhất là đối với người Mỹ. Gia đình và bạn bè của ông đều khuyên rằng nên ưu tiên hàng đầu cho nghề luật sư dễ kiếm tiền và chỉ nên xem viết lách là một nghề tay trái, lãng mạn đấy nhưng không làm ra tiền. Tuy nhiên, Parker lại nghĩ khác. Và năm 1978, ý tưởng xuất bản một ấn phẩm về rượu vang thành hình với tên gọi The Wine Advocate (Người biện hộ rượu vang).

Lần xuất bản đầu tiên, tờ bán nguyệt san này chỉ in 600 tờ. Hai mươi năm sau, nó được hơn 40.000 bạn đọc đăng ký mua thường xuyên với giá 50 USD/năm. Tờ báo này bán khắp nước Mỹ và ở 37 nước khác. Ngày nay mọi người đều công nhận rằng tờ báo này có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen của người tiêu dùng rượu vang không chỉ ở Bắc Mỹ mà còn ở các nước như: Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mexico, Brazil, Trung Quốc và kể cả nước Pháp – quê hương rượu Bordeaux lừng danh thế giới. Frank Prial, nhà bình phẩm rượu vang Mỹ trên nhật báo The New York Times, đánh giá Robert M. Parker Jr. là “nhà bình phẩm rượu vang có ảnh hưởng mạnh nhất thế giới”.

Thật vậy, ngay tuần báo L’Express của Pháp cũng mời Parker, người nước ngoài đầu tiên, giữ mục bình phẩm rượu vang. Ngoài ra ông còn biên tập cho tạp chí Food and Wine và thường xuyên viết cho tạp chí The Field của Anh. Những bài bình phẩm của Parker về rượu vang các loại sản xuất ở 40 nước trên thế giới thuyết phục độc giả ở chỗ độc lập, trung thực, không màu mè mà vẫn sâu sắc. Từ năm 1985 đến 2005, Parker viết được 11 cuốn sách về rượu vang, chủ yếu là vang Pháp. Ngay tác phẩm đầu tay của Parker là Rượu Bordeaux in lần đầu năm 1985 trở thành một cuốn sách kinh điển về rượu vang, tái bản 6 lần trong đó có 3 lần tại Pháp. Sách đã được dịch sang tiếng Pháp, Nhật, Đức, Thụy Điển và Nga.

HỆ THỐNG ĐIỂM PARKER.

Sáng tạo nổi bật nhất của Parker là thiết lập một hệ thống điểm (50-100 điểm) phân tích về màu sắc, hương vị... nói chung là chất lượng từng loại rượu (mỗi năm Parker nếm khoảng 10.000 mẫu). Khi đưa ra hệ thống điểm này, Parker nghĩ rằng những hệ thống điểm trước đây không minh bạch và không khách quan vì chịu ảnh hưởng ít nhiều của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, nhiều đối thủ của Parker như Hugh Johnson và Jancis Robinson phản kích rằng chất lượng rượu vang là một thứ tùy thuộc nhiều vào các yếu tố chủ quan cho nên khó mà cho điểm chính xác.Parker không hề tự cho mình có quyền lực tuyệt đối. Trong một bài báo đăng trên tờ báo của ông số ra tháng 2-2005, Parker khẳng định: “Không có thứ gì có thể thay thế khẩu vị của bạn. Cũng không có bài học nào tốt hơn là tự nếm rượu. Bất cứ tác giả hệ thống điểm nào cũng phải chịu trách nhiệm trước độc giả. Tôi nhìn nhận rằng hệ thống điểm của tôi có giới hạn nhất định. Nó không mang tính khoa học cho nên xin đừng diễn dịch theo hướng đó”. Thế nhưng, ngày càng có nhiều người coi hệ thống điểm của Parker là kim chỉ nam mỗi khi đi mua rượu.

Do đó, có nhiều cửa hàng bán rượu vang ghi luôn điểm cho từng sản phẩm bày trên quầy hàng. Thường khách hàng chỉ mua loại 90-95 điểm. Hiện tượng này dẫn đến hai hậu quả: một là rượu vang từ 90 điểm trở lên thường tăng giá và ngược lại những thứ chỉ có 75-79 điểm (tức trên trung bình) thậm chí loại 80-89 điểm (rất ngon) bán cũng không chạy. Rất hiếm khi Parker cho điểm 50 còn điểm tuyệt đối 100 chỉ xuất hiện 66 lần trong số 220.000 mẫu rượu mà Parker đã nếm.

Nói chung, Parker rất khắt khe đối với bản thân và người khác. Tất cả các mẫu rượu mà ông nếm để cho điểm đều do ông bỏ tiền túi mua ở các cửa hàng rượu. Ông không bao giờ nếm rượu tặng của nhà sản xuất hay nhận quà cáp của họ. Ngay tờ báo của ông cũng không nhận đăng quảng cáo để giữ thế khách quan. Bởi ảnh hưởng quá lớn - bảng điểm của Parker có thể làm tăng hoặc giảm giá của một sản phẩm nào đó, thậm chí buộc các nhà sản xuất thay đổi quy trình sản xuất cho phù hợp với bảng điểm (cũng là khẩu vị của Parker) - Parker có khá nhiều kẻ thù. Có ít nhất hai nhà sản xuất Pháp dùng con gái của mình để dụ dỗ, mua chuộc Parker. Một số khác đe dọa ám sát ông. Nhưng độc đáo nhất là kiểu trả thù không giống ai của ông chủ hãng rượu Château Cheval Blanc là Jacques Hebrard. Ông này rất bực tức cách Parker cho điểm rượu niên vụ 1981 của ông. Hebrard viết thư mời Parker đến lâu đài của ông nếm lại. Tuy nhiên, khi Parker đến, Hebrard xịt chó cắn. Parker yêu cầu Hebrard băng bó vết thương ở chân thì - theo lời Parker - chủ nhà đưa cho tờ Người bảo vệ rượu vang trong đó có bảng cho điểm rượu vang của Hebrard. Ông này chối không có chuyện đó nhưng sự kiện Parker bị chó cắn là có thật.

PARKER HÓA RƯỢU VANG 

Cụm từ “Parker hóa rượu vang” dùng để chỉ việc sản xuất rượu vang theo khẩu vị của Parker của một số nhà sản xuất rượu. Bởi có rất nhiều người tiêu dùng, người sưu tầm rượu vang và các nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng vào bảng điểm của Parker, vào tầm quan trọng của thị trường rượu vang ở Mỹ, cho nên nhiều nhà sản xuất rượu vang trên thế giới cố gắng cho ra những sản phẩm ít độ chát, làm từ nho chín, đậm đà là những điểm ưa thích của Parker. Rất nhiều nhà sản xuất đã nhận thức được rằng điểm cao trong hệ thống chấm điểm Parker chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu, giá cả rượu bán ra và lợi nhuận. Một chuyên gia kinh tế Mỹ đã tính như thế này: “Cách biệt giữa 85 điểm và 95 điểm cho loại rượu Bordeaux là 6 đến 7 triệu euro” (1 euro = 21.262 VNĐ).

Họ cũng thay đổi tập quán canh tác như thu hoạch nho càng muộn càng tốt, rượu không lọc. Thỉnh thoảng họ còn dùng những kỹ thuật mới như làm giảm chất tanin bằng phương pháp vi ôxy hóa. Một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại rằng ảnh hưởng quá lớn của Parker sẽ dẫn đến tình trạng đồng nhất hóa một kiểu làm rượu vang trên thế giới. Quan điểm này đã được nhiều người phát biểu trong bộ phim tư liệu Mondovino về rượu vang. Thế giới hiện có 40 nước sản xuất rượu vang, trong đó nước Pháp sản xuất rượu nhiều nhất và Trung Quốc là nước mới bắt đầu sản xuất với tiềm năng rất lớn. Các nước này đang trồng 48.000 km2 vườn nho và sản xuất 35 tỉ lít rượu vang mỗi năm.

Danh mục bài viết Tản mạn về rượu

Đang tải dữ liệu loading