Nem chua - Món quà người Xứ Thanh

Thứ Sáu, 13/04/2012 08:41

4,515 xem

0 Bình luận

(0)

4415

Nem chua xứ Thanh theo bước chân nhọc nhằn của những người làm thuê ra Bắc vào Nam, lúc là món quà người miền Trung tặng khách ẩm thực bốn phương thể hiện cái nồng ấm, hiếu hảo của người Thanh Hóa khi xa quê, có khi là món ăn “độc” mà cánh mày râu hể hả có được trong mỗi cuộc nhậu.

Mỗi lần về quê thăm má, mảnh đất hanh hao gió lào và cát trắng quấn lấy tôi như để thỏa bao ngày nhung nhớ. Những mái nhà nhỏ san sát trong cái xóm nhỏ cạnh con đê trải dài bao quanh phố Huyện xôn xao tiếng chày cối giã thịt làm nem.

Nem chua xứ Thanh theo bước chân nhọc nhằn của những người làm thuê ra Bắc vào Nam, lúc là món quà người miền Trung tặng khách ẩm thực bốn phương thể hiện cái nồng ấm, hiếu hảo của người Thanh Hóa khi xa quê, có khi là món ăn “độc” mà cánh mày râu hể hả có được trong mỗi cuộc nhậu.

Bạn đại học của tôi, mỗi lần về thăm nhà, khi trở về vui nhất là được xách theo vài chục quả nem để làm quà biếu. Ngược xuôi trên mảnh đất cong cong hình chữ S, có nơi nào vắng bóng “nem chua”, nhưng cái hương vị riêng của nem xứ Thanh, không dễ lẫn. Nem xứ Thanh gửi gắm đất và hồn người, nó chứa đựng tất cả nhọc nhằn, sướng khổ, khát khao, nỗ lực và cả cái nắng, cái gió trong hương vị đặc trưng của mình.

Nếu đất Quảng đình đám với nem Quảng Yên, Hà Nội say đắm trong hương nem chua làng Vẽ, xứ Hoa Lư nổi danh với nem chua Yên Mạc, Khánh Hòa níu chân khách ẩm thực bởi nem Ninh Hòa, thì dọc mảnh đất miền Nam thực khách bốn phương vẫn nghe đâu đó rộn ràng cái tên nem chua Lai Vung (Đồng Tháp).

Tuy vậy, dù khách vào những nhà hàng lớn hay những quán nhỏ bên đường, dù ở vùng đất nào trên đất Việt cũng gọi tên “nem Thanh Hóa”. Nem Thanh Hóa nổi tiếng là nem Hạc Thành, nem Làng Trạo. Những quả nem chỉ to bằng cái chén uống trà của những khách đối ẩm họa thơ thời xưa, quấn quanh mình màu áo xanh của lá chuối, thắt những chiếc nơ lạt giang trắng xinh xắn hình chữ thập, ôm trong mình một viên nem hồng hồng nhỏ nhắn mà làm say lòng người.

Làm nem không khó, nhưng nem là món ăn dễ hỏng. Có những chiều về quê nội, điều thú vị nhất với tôi và đám bạn là được sang nhà cô hàng xóm để học gói nem. Đôi bàn tay xinh xắn thoăn thoắt gói nem, đặt viên nem đã vo sẵn vào lá chuối, cuộn cuộn khoảng 6-7 lớp lá chuối mặt, bẻ góc để cho quả nem thành vuông vức, ngậm một đầu lạt cô hàng nem xoay quanh quả nem rồi buộc chặt.

Nem chua được làm từ thịt lợn xay hoặc giã nhuyễn và bì lợn luộc chín, cạo sạch, lạng mỏng, cho vào máy thái sợi chừng 3cm, thính gạo hoặc thính ngô rang thơm trộn đều cùng nhiều gia vị khác rồi ủ chín. Sâu bên trong những lớp lá chuối, thức dậy mùi chua chua, ngọt ngọt, mùi cay cay của hạt tiêu sọ, mùi nồng của tỏi, thơm dịu của lá ổi và lá đinh lăng, mùi thơm bùi của thính…

Dưới màu xanh của những lớp lá, không quên một lát ớt đỏ, một lát tỏi trắng thái mỏng. Thịt lợn làm nem nên chọn thịt nạc mông, không quá to hay quá nhỏ để bớt nước. Miếng thịt phải lọc bỏ mỡ, những mớ bạng nhạng, dùng khăn mỏng lăn quanh miếng thịt, bóp đều cho nước thấm vào khăn, cắt thịt thành từng miếng mỏng rồi trải thịt vào tấm khăn khác để sao cho thịt thật ráo bởi làm nem mà nước thịt còn nhiều sẽ khiến nem dễ hỏng và không dậy mùi thơm.

Gói nem thành công khi ăn, bóc lá nem ra phải có màu hồng, không dính lá và dậy mùi thơm đặc trưng. Khi quả nem đã thành hình thì nhập thành chùm 10 chiếc một treo ở nơi thoáng mát. Mùa đông thì khoảng 3, 4 ngày là có thể đem ra ăn, mùa hè thì chỉ 1,5 – 2 ngày.

Nem ngon thường dùng với tương ớt hoặc nước mắm pha tỏi, tùy thuộc vào khẩu vị từng người. Ăn nem, khách sẽ cảm tưởng như nhâm nhi cái hồn của đất nước. Thịt lợn là tinh túy của đất trung du, nước mắm ngon để ướp thịt mặn mòi vị biển và ôm trong mình cái xanh xao của núi rừng trong màu sắc, hương vị của đinh lăng, lá chuối hay suýt xoa bởi cái cay xè của hạt tiêu, tỏi sống, sung sướng với cái lật sật của sợi bì thái mỏng. Thêm một ngụm bia, chất đắng của men bia lẫn trong cái thơm chua phảng phất, khách như ngây ngất bởi hồn xứ Thanh nồng ấm đất và người.

Sưu tầm

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading