Dinh dưỡng đảm bảo tiêu chí khỏe mẹ, bổ con

Thứ Năm, 19/07/2012 08:27

2,842 xem

0 Bình luận

(0)

4200

Trong thời gian mang thai các bà mẹ cần phải bổ sung thực phẩm và các loại vitamin để đảm bảo cho mẹ khỏe con phát triển cân đối. Tuy nhiên không phải thực phẩm nào cũng có thể sử dụng. Dưới đây Amthuc365.vn chia sẻ bí quyết giúp khỏe mẹ, bổ con.

Bổ sung chất xơ có thể làm giảm chứng táo bón và giúp bạn tránh một vấn đề thông thường khác khi mang thai: bệnh trĩ...

Một nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm Y tế Thụy Điển ở Seattle, các bác sĩ phát hiện rằng 24g chất xơ mỗi ngày sẽ giúp thai phụ giảm nguy cơ tiền sản giật (một hình thức nguy hiểm của huyết áp cao) đến 51%. Ngoài ra, bổ sung chất xơ có thể làm giảm chứng táo bón và giúp bạn tránh một vấn đề thông thường khác khi mang thai: bệnh trĩ. Quan trọng nhất là nhiều loại bột ngũ cốc giàu chất xơ cũng giàu axit folic. Điều này là quan trọng để giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Thực phẩm tốt nên dùng khi mang thai

Dưa hấu

Có 91% là nước, giàu chất chống oxy-hóa, vitamin A,C, kali, magie. Loại quả này cũng giúp thai phụ chống lại tình trạng mất nước, giúp xoa dịu những cơn ợ nóng, buồn nôn. Nhưng ăn nhiều quá lại có hại.

Đu đủ chín
Có hàm lượng chất xơ cao, giàu vitamin A,C, E, folate và các chất tốt cho thị giác như lutein và hycopene. Tốt cho những người bị táo bón, đặc biệt là trong thai kỳ, nên họ thường được khuyên ăn nhiều đu đủ để giúp tiêu hóa và đi ngoài tốt hơn.
Quả bơ
Rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, bà bầu ăn nhiều quả bơ trong 3 tháng đầu sẽ sinh con thông minh hơn.
 
Quả lựu
Đặc biệt là nước ép quả lựu rất tốt cho thai phụ và sự phát triển trí não của thai nhi, giúp đứa trẻ sinh ra giảm nguy cơ bị tổn thương ở não do quả lựu chứa hàm lượng cao polyphenol có khả năng chống lão hóa và bảo vệ thần kinh. Tuy nhiên phụ nữ thiếu máu nên hạn chế ăn quả lựu.
Quả táo
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: axit maclic, tannin… ăn nhiều táo có thể tăng cường sức đề kháng cho thai nhi mặt khác còn giúp bà bầu giữ dáng người, tránh thừa cân, béo phì. Đồng thời giúp thai nhi có sức đề kháng tốt ngay từ trong bụng mẹ.
Sầu riêng
Thành phần dinh dưỡng đáng chú ý nhất của loại quả này là vitamin C (chiếm 32%), folate (9%) và magie (8%) (trong 100g). Đây là một loại quả tốt cho thai phụ. Tuy nhiên dùng nhiều quá lại có hại.
Xoài
Giàu kali (156mg/100g xoài) và canxi (10mg//100g xoài), xoài rất tốt cho các thai phụ có nguy cơ thiếu sắt. Ngoài ra xoài còn rất giàu vitamin C (27.7mg/100g xoài), chứa nhiều phenol (chất có chức năng chống oxy-hóa) và selenium giúp cơ thể chống lại bệnh tim mạch. Vị chua của xoài xanh khiến nó là món ăn vặt hữu hiệu giúp xoa dịu những cơn nôn ói của thai phụ.

Anh đào, lê, bưởi
Giữ vai trò tích cực trong việc phòng ngừa chứng phù chân tay, cao huyết áp ở thai phụ.
Nước cam

Theo các chuyên gia, hai ly nước cam trong một ngày có thể giúp thai phụ giảm huyết áp đáng kể. Điều này có thể quan trọng nếu huyết áp bạn tăng trong thời gian mang thai. Lượng vitamin C cao cũng có thể giúp giảm nguy cơ tiền sản giật.

Sinh tố chuối dâu

Thức uống này cung cấp dinh dưỡng tốt cho bé, nó có thể giúp giảm các biến chứng trong thai kỳ. Một nghiên cứu chứng minh rằng, các phụ nữ đang mang thai tiêu thụ rất nhiều thực phẩm giàu vitamin C - chẳng hạn chuối và dâu tây - ít có nguy cơ tiền sản giật. Các nghiên cứu cũng cho thấy, thiếu vitamin C trong thời kỳ mang thai có thể có nguy cơ gia tăng việc vỡ màng ối sớm - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sinh non.

Cá hồi

Để giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, hãy cố gắng ăn nhiều cá trong thời gian mang thai. Axit béo trong cá được gọi là DHA. DHA có nhiều trong cá nước lạnh, chẳng hạn như cá hồi.

Sữa chua

Lợi ích rõ ràng của thực phẩm này trong thai kỳ là bao gồm hàm lượng canxi và protein cao - cả hai đều quan trọng đối với việc phát triển của con bạn. Loại thực phẩm này cũng giúp giảm chứng chuột rút, vấn đề đôi khi gây phiền hà trong thời kỳ mang thai.

Thực phẩm cần tránh khi mang thai

Dưa hấu

Ăn nhiều dưa hấu gây đầy bụng, no hơi. Ngoài ra do dưa hấu có hàm lượng đường cao, thai phụ có nguy cơ hoặc mắc bệnh tiểu đường, tăng cân nhanh không nên ăn nhiều dưa hấu.

Đậu phộng (Lạc)

Ăn đậu phộng trong thời kỳ thai nghén làm tăng các loại bệnh dị ứng bào thai. Ăn đậu phộng trong thời gian mang thai còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng cho trẻ nhỏ sau này.

Đu đủ xanh

Nếu thai phụ đã được uống viên bổ sung vitamin A có hàm lượng 10.000 UL/ ngày, cần hạn chế các loại thức ăn giàu vitamin A như đu đủ, cà rốt. Cơ thể hấp thụ quá nhiều vitamin A có thể gây nguy cơ sẩy thai, dị tật thai nhi. Đu đủ xanh, trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây nguy cơ sẩy thai, đó là do trong đu đủ, đặc biệt là đu đủ xanh, có chứa nhiều chất nhựa kích thích co bóp tử cung và gây nguy cơ sẩy thai. Không ăn đu đủ xanh, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, giai đoạn nhạy cảm.

Gừng, ớt

Gây nóng trong người nên dễ gây hiện tượng táo bón. Hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây hiện tượng máu đông cục. Vì thế thai phụ dùng lâu không có lợi. Phụ nữ trong thời kỳ nghén có thể dùng gừng nhưng không được quá 4 ngày.

Khoai tây

Nhất là khoai tây đã mọc mầm xanh có chứa độc tố gọi là Solaninne (còn gọi là chất kiềm sinh vật). Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều khoai tây có chứa kiềm sinh vật hóa cao, chất kiềm này sẽ tích luỹ trong cơ thể và gây ra hiệu ứng dị tật, ăn 44.2g- 252g khoai tây có thể làm thai nhi dị dạng.

Lựu và hạnh nhân

Đối tượng thiếu máu nên ăn ít.

Quả nhãn

Theo Đông y, quả nhãn tính ôn, vị ngọt, dễ trợ hỏa, bởi vậy sẽ có hại cho thai phụ, gây tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa.

Rau chân vịt

Làm cản trở hấp thu chất sắt dẫn đến thiếu máu. Nguyên nhân rau chân vịt có nhiều axit làm cho chất sắt của nó không được ruột non hấp thu, thậm chí còn bị đẩy ra khỏi cơ thể. Ăn rau chân vịt nhiều càng gây trở ngại cho việc hấp thu chất sắt, khiến tình trạng thiếu máu nặng thêm.

Sầu riêng

Rất giàu năng lượng, mỗi 100g cung cấp đến 147 Kcal. Do đó, loại quả này không tốt cho những thai phụ trong nhóm nguy cơ thừa cân, bị cao huyết áp hoặc tiểu đường vì có thể làm bệnh diễn tiến xấu hơn.

Sơn tra (táo mèo)

  Có thể làm co giãn tử cung, những phụ nữ đã có lần sẩy thai nên đặc biệt cẩn thận khi ăn loại quả này.

Xoài

Ăn quá nhiều xoài có thể tăng hàm lượng a-xít trong bao tử, gây cảm giác khó chịu như xót ruột, đầy bụng. Thai phụ chỉ nên ăn xoài xanh khi no.

Rượu

Thai phụ tuyệt đối không nên uống rượu (ảnh minh họa - internet)

Rượu làm tăng nguy cơ rủi ro cho em bé bởi chứng rối loạn vì rượu ở thai nhi (FASD) - một loạt vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ sau này. Hình thức xấu nhất là nhiễm rượu ở bào thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ.

Các chuyên gia khuyên rằng: nếu bạn bất ngờ mang thai và vô tình đã uống một lượng rượu trong vài tuần đầu khi thụ thai, đừng lo lắng. Nếu bạn ngừng uống rượu ngay khi bạn biết mình mang thai, và bạn dùng axit folic (400mg) hàng ngày, thì bạn có thể giảm tối đa các nguy cơ nghiêm trọng cho bé.

Saccharin

Một vài nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng lượng saccharin (chất ngọt nhân tạo) cao có thể tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Nghiên cứu trên các loài khỉ cho thấy, số lượng lớn chất ngọt nhân tạo có thể tạo ra mức độ nguy hiểm cho bào thai.

Hải sản với mức thủy ngân cao

Một chế độ ăn uống bao gồm nhiều loại cá và các loại tôm cua giúp trẻ tăng trưởng và phát triển.

Tuy nhiên, mức độ nhiễm thủy ngân cao có thể biến việc ăn hải sản thành nguy cơ nghiêm trọng với khả năng gây tổn hại hệ thống thần kinh với việc phát triển của trẻ.

Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cùng với Cơ quan Bảo vệ môi trường đã cảnh báo phụ nữ mang thai, những người đang muốn mang thai, những phụ nữ đang cho con bú, và trẻ em, tránh tất cả các loại hải sản có nồng độ thủy ngân cao. Bao gồm các loại cá lớn sống lâu năm chẳng hạn như cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá kình.

Caffeine

Các chuyên gia cho biết, thức uống hoặc thuốc có chứa hàm lượng caffeine cao có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai và nhẹ cân khi sinh. Thêm vào đó, caffeine là chất kích thích nhẹ, lợi tiểu, không tốt trong thời gian mang thai.

Thực phẩm không tiệt trùng

Thực phẩm chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn Listeria monocytogenes. Vi khuẩn này có thể gia tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, hoặc thai chết lưu. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với Listeria monocytogenes có thể mắc bệnh và nguy cơ tử vong cao. Vi khuẩn này ẩn nấp trong các loại thực phẩm chưa được tiệt trùng. Listeria cũng có thể được tìm thấy trong các loại nước trái cây không tiệt trùng, cũng như các loại thịt nguội, xúc xích, hoặc xúc xích xông khói.

Vitamin và khoáng chất có lợi cho thai phụ

Axit folic: Giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh hệ thần kinh trung ương như mất não và khuyết tật về cột sống.

Kali: Có tác dụng ổn định chức năng tim mạch, chống cao huyết áp, rất tốt cho các thai phụ mắc chứng huyết áp cao.

Kẽm: Giúp giảm nguy cơ sẩy thai, khó sinh và thai lưu.

Magie: Giảm chứng chuột rút ở thai phụ.

Sắt: Góp phần sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Selenium: Giúp ngăn chặn dị tật thai nhi do bất thường trong nhiễm sắc thể.

Vitamin A: Đem lại làn da khỏe, mắt sáng, giúp xương phát triển.

Vitamin D: giúp xương và răng chắc khỏe, hấp thụ canxi tốt. Nếu thiếu trẻ dễ bị còi xương, mẹ sẽ bị hư răng.

Vitamin C: Tăng cường sức kết dính của thành vách vi mạch, hạn chế tình trạng xuất huyết ở thai phụ.

Đa sinh tố: Thai phụ uống vitamin ít, sinh con nhẹ cân hơn.

Bảo Thanh tổng hợp
Amthuc365.vn

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading