Bánh tò te

Thứ Sáu, 24/08/2012 03:00

8,843 xem

0 Bình luận

(0)

1288

Tìm về Yên Bái người dân nơi đây thường mời khách một vài cái bánh tò te. Cầm chiếc bánh tò te, bóc dần dần từng lớp lá bánh, lộ ra bên trong một màu tím tím rất bắt mắt chỉ muốn ăn ngay, ăn miếng bánh mà nhuốm cả hương vị quê hương lẫn tình cảm hồn hậu của con người nơi đây mà không thứ bánh nào có được như thế.

Nếu ai đã từng về Yên Bái, từng một lần thưởng thức bánh tò te, thứ bánh nhuộm cả quê hương hồn hậu hẳn sẽ nhớ mãi hương vị của nó.

Bánh tò te ngay từ cái tên nghe vui tai, lạ miệng cũng gợi cho người ta tò mò về bánh. Thực ra, bánh được gói từ lá chuối, mà lá chuối trong trò chơi dân gian trẻ con thường dùng để cuộn lại, thổi kèn phát ra âm thanh tò te…tò te, có lẽ cái tên bánh cũng xuất phát từ cách lý giải thân thương đó.

Với những làng quê ở Yên Bái, bánh tò te thường được làm vào ngày tết Đoan ngọ, được xem là thứ bánh lâu đời không thể thiếu vào ngày này, nhưng với hương vị thơm ngon của bánh tò te nên ngày thường cũng có thể mua bánh ở các phiên chợ quê sớm. Với nguyên liệu chính là đỗ đen và gạo nếp được cuốn trong lá chuối, tất cả quyện với nhau tạo nên hương vị dân dã rất đặc biệt.

Nói về công đoạn để cho ra lò được những chiếc bánh tò te không hề đơn giản, đòi hỏi người gói bánh phải khéo léo, tinh tế thì bánh mới đẹp mắt và dẻo thơm. Ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy bánh tò te có hình tựa như cái phễu, nhỏ nhắn xinh xinh.

Ở quê, cứ mảnh vườn góc ao nào cũng sẵn vài ba cây chuối, người ta tận dụng lá chuối để gói bánh, lá được cắt về phải rửa sạch để ráo. Gạo để làm bánh phải là thứ gạo nếp đều hạt, đỗ đen phải là  đỗ mới đem ngâm qua một đêm cho mềm, rồi trộn đều với muối hạt cho đậm đà. Do bánh có hình cái phễu nên lá bánh cũng được cuốn theo hình chôn ốc, rồi đổ gạo nếp đỗ đen vào, dùng lạt giang buộc chặt lại.

Để bánh được đẹp, người gói bánh phải có độ chặt tay nhất định để khi bánh chín không bị rách lá và méo mó. Công đoạn cuối cùng là xếp bánh vào nồi và luộc chín bánh, theo những người dân làng có kinh nghiệm chỉ cần đun từ ba đến bốn tiếng, khi thấy khói bốc nghi ngút, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt là lúc bánh đã chín.

Chiếc bánh tò te được vớt ra phải giữ được màu xanh mướt của lá chuối, bánh chín mềm, có màu trong xanh của gạo nếp, màu tím của đỗ đen, bánh mềm mà béo ngậy, ngọt bùi, cắn miếng bánh phải dẻo thơm thế mới đạt tiêu chuẩn.

Ngày nay, tìm về Yên Bái người dân nơi đây thường mời khách một vài cái bánh tò te. Cầm chiếc bánh tò te, bóc dần dần từng lớp lá bánh, lộ ra bên trong một màu tím tím rất bắt mắt chỉ muốn ăn ngay, ăn miếng bánh mà nhuốm cả hương vị quê hương lẫn tình cảm hồn hậu của con người nơi đây mà không thứ bánh nào có được như thế.

(Theo BTTVN)

Danh mục bài viết Món ngon Yên Bái

Đang tải dữ liệu loading