Ngọt ngào nỗi nhớ sầu riêng

Thứ Ba, 02/04/2013 01:08

4,631 xem

0 Bình luận

(0)

2867

Mùa hè đến, gọi ánh nắng vàng tươi và thổi bừng cái nóng rạo rực của miền nhiệt đới. Phảng phất đâu đó ta nhận thấy hương thơm đặc trưng của trái sầu riêng. Người Nam Bộ yêu loại trái cây này như yêu quê hương xứ sở, thậm chí, có người ăn thành nghiện. Với những ai ở phương trời xa, sầu riêng là nỗi nhớ ngọt ngào khó cưỡng.

Sầu riêng vỏ xù xì, gai góc, da xanh, thịt vàng. Người ta ví quả sầu riêng giống như người Nam Bộ vậy, chất phác, mộc mạc, không cầu kỳ bên ngoài nhưng sâu thẳm là trái tim nhiệt tình và vô cùng tốt bụng. Đối với những người lần đầu thưởng thức, hương sầu riêng không dễ chịu, vị sầu riêng ngọt nhưng không giòn như mít. Tuy nhiên, chỉ sau vài lần, bạn có thể nghiện ngay thứ quả kì lạ ấy. Ở miền Nam Việt Nam, sầu riêng là thức quả phổ biến nhất, nhiều nhất nhưng cũng được ưa chuộng nhất. Có những người thích sầu riêng đến nỗi, mấy ngày không được nếm vị ngon của loại quả này thì nhớ nhung, bứt rứt. Bởi thế, không ngoa nếu nói sầu riêng là linh hồn Nam Bộ.

Không ngoa nếu nói sầu riêng là linh hồn Nam Bộ (Ảnh: internet)

Đằng sau trái sầu riêng là cả câu chuyện tình yêu, tình vợ chồng cảm động. Dân gian truyền nhau rằng, sầu riêng vốn có tên là tu-rên ở Chân Lạp, trước đây là vương quốc hùng mạnh phía Tây của Nam Bộ nước ta ngày nay. Câu chuyện gắn liền với cuộc đời của một chàng trai vô danh đã có công lớn dưới triều Tây Sơn. Sau khi Quang Trung, Nguyễn Huệ qua đời, Nguyễn Ánh giành lại quyền lực và tìm cách trả thù nhà Tây Sơn. Chàng trai buộc phải bỏ trốn sang đất Chân Lạp. Ở đây, chàng đã chữa khỏi bệnh cho một cô gái xinh đẹp. Cảm vì tấm lòng, mến vì tài năng của chàng, cô gái đã đồng ý kết duyên vợ chồng. Hai người rất yêu thương, trân trọng nhau. Lần đầu tiên chàng trai biết đến trái tu-rên là nhờ người vợ. Ban đầu, chàng không thích mùi hương của loại quả này. Người vợ nói: “Anh ăn sẽ biết nó đậm đà như lòng em vậy”. Và từ đó, cây tu-rên trở thành cây kỷ niệm của hai người. Một thời gian sau, người vợ qua đời, chàng ôm nỗi nhớ nhung nàng trở về quê hương. Trước khi đi, chàng dừng lại bên cây tu-rên thì một trái rụng vào vạt áo. Chàng đem trái ân tình ấy về Việt Nam, trồng thành cây, rồi mời bà con tới ăn quả và kể lại câu chuyện tình buồn. Từ đó, dân gian gọi trái tu-rên thành sầu riêng để tưởng nhớ về tình yêu của chàng trai đất Việt. Đến nay, mỗi lần ăn sầu riêng người ta lại bồi hồi nghĩ về một tình yêu son sắt đậm đà, mang hồn người Nam Bộ.

Sầu riêng được bán rất chạy ở vùng sông nước, miệt vườn. Ở các chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Ngã Bảy, rất nhiều thuyền buôn bán sầu riêng. Ghe thuyền nào bán trái sầu riêng đều treo trái sầu riêng lên cao để người ở những ghe thuyền khác có thể thấy được. Đây là hình thức “bẹo hàng” độc đáo, dân dã và đậm chất quê của giao thương miền sông nước. Ở các chợ nổi như vậy, hình ảnh quả sầu riêng lúc lắc được “bẹo” khắp nơi trở nên vô cùng thân thương, gần gũi.

Hương sầu riêng thơm, thịt sầu riêng vàng rượi, vị sầu riêng ngọt ngào như tình người Nam Bộ. Người sành ăn sẽ có bí quyết để chọn quả ngon. Sầu riêng ngon phải có hạt lép, nhiều múi, múi vàng, hương vị đậm đà. Trước khi bổ, nhìn quả có gai to đều, ít nhọn, cứng chắc, lắc thử thấy quả có rung như có chất lỏng bên trong, khía đều nhau là quả ngon. Sầu riêng còn rất tốt cho sức khỏe. Quả này có tác dụng làm giảm bớt chứng táo bón, ngăn ngừa bệnh thiếu máu, đẹp da, chắc xương, điều chỉnh đường huyết, tốt cho tuyến giáp, hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, quả này còn giúp làm giảm bệnh đau đầu, đẩy lùi chứng chán nản…

Hương sầu riêng thơm, thịt sầu riêng vàng rượi, vị sầu riêng ngọt ngào như tình người Nam Bộ (Ảnh: internet)

Có thể nói, sầu riêng là đặc sản tuyệt vời của xứ sở nhiệt đới Nam Bộ. Ngày nay, sầu riêng được bán rộng rãi ra nhiều vùng miền trên cả nước. Sầu riêng và hương vị độc nhất vô nhị của nó đã ăn sâu vào tâm thức của những người dân, giống như một phần tình yêu quê hương đất nước.

 Thảo Hương - Amthuc365

Danh mục bài viết Miền Nam

Đang tải dữ liệu loading