Lên đèo Le thưởng thức đặc sản

Thứ Sáu, 14/02/2014 10:16

1,946 xem

0 Bình luận

(0)

3297

Đèo Le là một đèo nhỏ, hiểm trở và rất thơ mộng, nối hai huyện miền núi Quế Sơn và Nông Sơn của tỉnh Quảng Nam. Đèo nằm theo hướng đông tây, được biết đến trên 550 năm nay, từ khi những dân đinh lao động gốc Thanh Hóa vâng lệnh vua ta vào khai phá miền núi của tỉnh Quảng Nam, lập nên những làng mới.

Thời Pháp thuộc, người Pháp cho tu sửa đường đèo, chủ yếu phục vụ cho công cuộc xâm lược và khai thác tài nguyên, lâm đặc sản của miền núi Quảng Nam. Thời Mỹ sang, ngọn đèo này là nơi chiến tranh ác liệt nhất. Sau giải phóng, đèo được tu bổ và tráng nhựa lại, việc đi đứng tốt hơn thời Pháp thuộc và thời Mỹ rất nhiều.

Tại sao đèo lại có cái tên gọi ngộ nghĩnh như vậy? Dân gian cắt nghĩa do đường đèo hiểm trở, độ dốc cao nên ai mang vác vật nặng lội bộ lên tới được đỉnh đèo cũng đều… le lưỡi mà thở. Thế nhưng, theo các cụ ngày xưa cắt nghĩa thì khu vực đèo này có nhiều le – một loại tre rừng nhỏ mọc tự nhiên, cho loại măng ăn khá ngon và lành tính. Măng le ở đây được thu hoạch bán về miền xuôi, nấu canh cũng ngon mà kho với cá nục càng tuyệt. Vì vậy, đèo được gọi là đèo Le. Thuyết thứ hai nghe có vẻ đáng tin cậy hơn thuyết thứ nhất.

Bạn muốn lên đèo Le chơi, đi theo đường nào? Chạy xe hơi từ hướng nam ra theo Quốc lộ 1 A qua địa phận Quảng Nam, bạn đến ngã ba Hương An. Bạn rẽ trái, chạy thẳng về huyện Quế Sơn. Tới thị trấn, rẽ tay mặt, chạy khoảng trên 10 cây số nữa là tới đỉnh đèo Le. Từ quốc lộ lên tới đèo, tính ra trên dưới 40 cây số. Đường đi khá tốt.

Mùa xuân lên đèo Le ăn gà 1
 Món gà đèo Le nướng muối ớt thật bắt mắt - Ảnh: Đoàn Xuân

Đèo Le có gì đặc biệt? Có đấy. Qua chơi Quảng Nam, bạn đã từng nếm món gà Tam Kỳ mà giang hồ hào sĩ hay nói vui là “gà tám ký” và bạn đã từng khen chất lượng tuyệt vời của gà Tam Kỳ. Là con dân Quảng Nam thứ thiệt, tôi xin khẳng định với bạn rằng gà đèo Le, nhất là gà trên đỉnh đèo, chất lượng thịt càng tuyệt vời hơn. Bởi nó được lai tạo giữa gà rừng và gà nuôi trong nhà.

Ngay trên đỉnh đèo có một cái quán nhỏ không tên nằm cô độc như một hiền sĩ ẩn dật. Quán chơ vơ bên đường, gió bốn phương lồng lộng. Bạn vào quán ngồi nghỉ, sẽ nghe suối chảy róc rách dưới chân; giữa mùa hè nóng rực mà ở đây vẫn mát rượi. Dưới kia, bạt ngàn là rừng, rừng nguyên sinh, rừng trồng trải dài tít tắp. Bên cạnh là bạt ngàn những đồi sim. Nếu lên đèo Le đúng mùa xuân thì càng tuyệt vời. Rừng xanh, suối trong, không khí trong lành, khung cảnh thơ mộng cực kỳ. Không là thiên tiên nhưng khung cảnh ấy vẫn khiến con người thoát tục, lòng người yên tĩnh. Đây là con đường mà nhà thơ Bùi Giáng đã đi giữ dê đầu những năm 50 của thế kỷ trước; con đường có thật trong Lá hoa cồn, Mưa nguồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn. Ông xuôi đèo về hướng tây thì lên Tý, Sé, Dùi Chiêng; xuôi đèo về hướng đông thì xuống thung lũng Trung Phước. Bùi Giáng từng viết ở đây: “Nghe trời đổ lộn nguyên khê/ Nước ngàn thu cũ gieo về động xanh”.

Xin lỗi bây giờ, tôi nói sang chuyện ăn. Nếu các bạn đi chừng ba hay bốn người, cứ mạnh dạn gọi hai con gà; một con luộc, một con nướng. Bạn đừng sợ ăn nhiều thịt dư đạm, bởi con gà đèo Le nặng chưa tới… nửa ký, làm xong chỉ còn khoảng 300 gam giác một chút. Điều an tâm nữa là gà này không có mỡ. Chúng là gà đang chạy ăn đâu đó trên núi, trên đồi. Việc gọi chúng về bắt làm thịt là… chuyện của ông bà chủ quán; phần bạn vui lòng ngồi đợi và ngắm cảnh đồi núi chập chùng.

Đợi khoảng 30 phút, bạn sẽ được ăn món gà luộc. Gà chặt ra từng miếng, ăn với rau răm nguyên cây, muối tiêu và ớt xanh. Thịt gà vừa ngọt, vừa thơm, vừa dai, da giòn giòn, ăn không biết chán. Tôi bảo đảm bạn sẽ nghe miệng lưỡi của mình ngập tràn niềm vinh dự kiếp làm người. Tôi từng viết trong ca khúc Cõi tiêu dao của mình khi ăn miếng gà đèo Le: “Trở về, gửi lại ngàn sau/ Niềm vinh dự trót đi qua kiếp người rộng lớn/ Trở về một cõi tiêu dao/ Ngàn thu hẹn sẽ bên em suối hoa nguồn đào”. Người Quảng Nam chúng tôi ăn uống không màu mè riêu cua điệu bộ. Bạn cứ thoải mái bốc tay mà ăn; gà cũng bằng tay, rau răm cũng bằng tay; gắp đũa có thể… rơi thịt gà xuống đất. Mà thịt gà ngon rơi xuống đất là một tội lớn trên đời. “Lái xe, viết báo, ăn gà/ Cả ba thứ đó đều là dùng tay” – xin bạn nhớ cho “câu thơ” danh tiếng ấy.

Ăn xong con gà luộc, ông chủ bưng ra cho bạn đĩa gà nướng thơm lừng, bảy xã cũng nghe mùi. Hãy thành kính thưởng thức mùi hương ấy trước. Người dân quê tôi không ướp gà nướng bằng ngũ vị hương, đại hồi, tiểu hồi gì gì như kiểu của các nhà hàng thành thị hay làm. Họ giã nhuyễn một món ướp dân dã màu vàng vàng bí truyền (có lẽ là do có nghệ) khiến miếng thịt gà tỏa một mùi hương khá hấp dẫn. Ăn miếng gà nướng đầu tiên, bạn sẽ thấy trời đất lăn quay, vũ trụ hồ đồ, càn khôn ấm ớ ngay. Bởi vì nó ngon quá. Ăn món nướng, bạn cũng phải dùng tay. Cái bàn tay coi vậy mà rất được việc bởi cuối bữa ăn, bạn sẽ phải (xin lỗi) mút ngón tay đấy.

Ăn xong món gà nướng, chưa kịp… mút ngón tay, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chủ quán mang ra mấy chén cháo; mỗi chén lỏng bỏng vài chục hạt gạo, lơ thơ mấy đoạn lá hành xanh. Cháo ở đâu mà có vậy? Xin thưa, hai con gà có hai bộ lòng. Con gà đèo Le nhỏ xíu nên bộ lòng cũng nhỏ xíu thấy mà thương xót: trái tim bằng nửa trái sim; cái gan, cái mề ngang ngang cỡ đầu ngón tay cái của bạn. Chủ quán thái nhỏ ra, nhỏ đến nỗi ta “lặn” tìm miết mà cũng chẳng thấy lòng gà đâu. Chính nước luộc gà hồi nãy và hai bộ lòng gà làm nên mấy chén cháo này.

Lên đèo Le mùa xuân, tiết trời se se lạnh. Ăn chén cháo nóng thơm phức, lòng chợt ấm lại, y như Chí Phèo một đời hư hỏng được Thị Nở cho ăn bát cháo hành. Trời xanh, mây trắng, núi đồi mơ màng, suối chảy róc rách. Mùa này hoa sim chưa nở nên rừng xanh một sắc trùng điệp. Hãy lắng nghe tiếng chim hót véo von giữa đất trờ bình yên. Ăn gà đèo Le, bạn có quyền cao hứng đưa cay với rượu (hay bia) nhưng đừng cho xỉn, xắn cao ống quần, cởi bỏ giày dép, ca hát nghêu ngao cho sảng khoái, thoát tục.

Bạn hỏi: Giá cả ra làm sao? Rẻ lắm, hai con gà chỉ khoảng ba trăm ngàn đồng. Ba năm trước, hai con chỉ khoảng hai trăm bốn chục ngàn đồng. Bạn không phải bo, cũng chẳng có chân dài váy ngắn gì gì khác ở đây làm khó bạn để hỏi tiền bo. Gà đèo Le là thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon, hợp vệ sinh nhất thiên hạ về cả hai nghĩa bởi nó không phải là gà… móng đỏ. Có câu quảng cáo như vầy: “Người nào chồng bỏ sang Tàu/ Ăn con gà ấy, chồng nhào trở qua/ Người nào vợ bỏ sang Tây/ Ăn con gà ấy, vợ quay trở về/ Người nào bồ bỏ, bồ chê/ Ăn con gà ấy, bồ mê tới già/ Ở đây trong giờ quảng cáo, chúng tôi bán hai con, thu tiền hai con”. Ai lên đây cũng tịnh tâm, rũ sạch bụi trần, tập trung tinh thần ăn uống chứ không có chơi. “Ta chừ ngồi giữa đèo Le/ Ăn con gà nướng lắng nghe xuân về” – cứ vậy mà vui chơi lành mạnh. Nếu bạn muốn ngủ, cứ hỏi ông chủ kiếm một chiếc võng hoặc… nằm lăn xuống đất mà ngủ.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều thứ ngon, trong đó thịt gia cầm, gia súc gồm có thịt con heo thả lan, bò cỏ và gà ta nuôi nhà được xưng tụng là… Quảng Nam tam tuyệt. Con heo thả lan, nuôi một năm dám đạt đến… 20 ký hơi; thịt chắc nụi, thơm phức. Con bò cỏ thả lan mặc tình tự kiếm ăn, hai năm được trên trăm ký hơi, thịt mềm còn hơn bất cứ thứ bò ngoại nhập nào. Còn con gà thì khỏi nói. Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn đều có gà ngon nên “công nghiệp” cơm gà và mì gà phát triển đại trà. Riêng huyện Tiên Phước có xã Tiên Lãnh nuôi được giống gà nhiều thịt, ngon và thơm lựng nên gà được xếp hạng nhì, sau nhan sắc kiện tướng công huân của các bạn thiếu nữ xã Tiên Hà. Người Tiên Phước đúc kết câu thành ngữ “Nhất gái Tiên Hà, nhì gà Tiên Lãnh”.

Người Quảng Nam làm ăn ngay ngắn, tôn trọng khách hàng. Nếu con gà bị thương một chút (bị chuột cắn chẳng hạn), họ sẽ chẳng bao giờ làm thịt bán cho khách. Các quán cơm gà, mì gà đều áp dụng nguyên tắc ấy cho nên ăn thịt gà Quảng Nam, bạn sẽ không lo âu điều gì.

Tôi viết bài này nhằm… quảng cáo không công giúp các tiệm bán thịt gà ở Quảng Nam làm ăn phát triển thêm một chút. Nếu ngành nào cao hứng, thấy tôi… có công, xin cứ tặng cho tôi cái giấy khen nhỏ nhỏ đem treo chơi thì cũng được. Thôi rứa hỉ!

Theo SGAT

Danh mục bài viết Món ngon Quảng Nam

Đang tải dữ liệu loading