Bong bóng cá

Giá trị dinh dưỡng

Bong bóng cá là một nội quan của các loài cá, có hình dạng như một chiếc túi chứa không khí giúp cá có thể điều chỉnh được tỉ trọng và khả năng nổi của mình, điều này khiến cá có thể lơ lửng ở một độ sâu nhất định mà không cần phải bơi. Bong bóng cá cũng có tác dụng giữ thăng bằng vì tại tư thế "chuẩn" của cá, trọng tâm của khối lượng sẽ nằm ở phía dưới trọng tâm của thể tích do bong bóng cá nằm ở mặt lưng của cơ thể. Một chức năng khác của bong bóng cá là buồng cộng hưởng nhằm tiếp nhận hay tạo ra âm thanh. Bong bóng cá, về mặt tiến hóa, được xem là tương đương với phổi.

Công dụng

Cháo bóng cá: Bóng cá 50g, gạo nếp 50g. Bóng cá rửa sạch, ngâm mềm trong nước gừng có pha rượu, thái nhỏ, nấu thành cháo, thêm muối mắm gia vị. Dùng cho phụ nữ bị đau bại vùng thắt lưng, huyết trắng, ăn kém không tiêu do tỳ thận hư nhược.

Bóng cá hấp đường: Bóng cá 30g, đường trắng 60g. Bóng cá chế biến, đường hòa tan trong nước, cho vào nồi, đun cách thủy cho chín nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục một đợt 7 - 10 ngày. Dùng cho trường hợp trĩ lậu đại tiện xuất huyết.

Trứng gà chiên bóng cá: Bóng cá 150g. Bóng cá chế biến, nướng chín vàng tán bột mịn, mỗi lần dùng 15 - 30g, trộn với 2 quả trứng gà, hấp hoặc chiên trên chảo. Khi ăn, uống với nước ấm có pha chút rượu. Dùng đợt 5 - 7 ngày cho phụ nữ bị bạch đới, khí hư rong kinh rong huyết, kinh nguyệt không đều.

Cách chọn

Khi mua bóng cá nên chọn loại có màu trắng đục hay vàng nhẹ, khô ráo, có độ cứng giòn đặc trưng. Tránh mua loại có màu vàng sậm, ẩm ướt, mốc hoặc có mùi tanh nồng.

Bảo quản

Không nên mua nhiều để dự trữ vì bóng cá rất dễ chuyển màu và mốc.

Lưu ý khi sử dụng

Bong bóng cá có nhiều chất keo nên dễ gây sình bụng, khó tiêu, vì vậy người kém tiêu hóa không nên lạm dụng.