Đường

Giá trị dinh dưỡng

Đường là một hợp chất ở dạng tinh thể, có thể ăn được. Các loại đường chính là sucrose, lactose, và fructose. Vị giác của con người xem vị của nó là ngọt. Đường là một loại thức ăn cơ bản chứa carbohydrate lấy từ đường mía hoặc củ cải đường, nhưng nó cũng có trong trái cây, mật ong... và trong nhiều nguồn khác. Nó là nguyên liệu chính để làm kẹo. Sử dụng quá mức đường có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2, béo phì và sâu răng.

Công dụng

Xoa dịu tinh thần trẻ em: Theo một nghiên cứu, trẻ em được cho uống hỗn hợp nước đường (1 thìa đường pha với 4 thìa nước) trước khi tiêm chủng chịu được sự đau đớn khi tiêm tốt hơn những đứa trẻ chỉ uống nước.

Điều trị vết thương:  Bạn có thể điều trị vết thương chỉ bằng một nhúm đường. Rắc đường kính lên vết lở loét trước khi mặc quần áo có thể giết chết các vi khuẩn ngăn chặn quá trình bình phục và gây ra cơn đau.

Làm dịu lưỡi bị bỏng: Khi ăn hay uống những món đồ quá nóng, lưỡi của bạn có thể bị bỏng. Lúc đó, bạn có thể dùng đường để làm dịu vết bỏng. Rắc đường lên vết bỏng hoặc ngậm viên đường và sự đau đớn sẽ nhanh chóng tiêu tan. Ngoài ra, khi ăn phải một món ăn cay nóng, bạn cũng có thể dùng đường theo cách tương tự.

Tẩy tế bào chết:  Đường là một nguyên liệu tuyệt vời để làm hỗn hợp tẩy tế bào chết cho da. Bạn có thể tự tạo ra hỗn hợp tẩy tế bào chết bằng cách trộn đường với dầu (dầu hạt cải tinh luyện, dầu hạnh nhân, dầu jojoba hoặc dầu ô liu đều được). Thêm một số tinh chất vani hoặc một số loại dầu khác nếu bạn muốn hỗn hợp có mùi hương. Sau đó, nhẹ nhàng xát hỗn hợp lên da rồi rửa sạch với nước.

Ngoài ra, bạn cũng có thể làm một hỗn hợp tẩy da chết từ chuối với đường. Khi chuối đã quá chín không thể ăn được, nghiền chuối rồi trộn với 3 thìa đường và 1 thìa dầu ô liu. Nhẹ nhàng xát hỗn hợp lên da rồi rửa sạch với nước.

Làm mềm môi: Trộn dầu jojoba hoặc ô liu với đường siêu mịn và tinh chất bạc hà hay vani. Sau đó, bôi hỗn hợp này lên môi, mát xa và liếm đi.

Làm sạch tay: Khi tay bạn bị dính sơn, dầu mỡ và cáu ghét, thêm đường vào dung dịch xà phòng để làm sạch tay. Bạn cũng có thể trộn đường với dầu ô liu để làm mềm và dưỡng ẩm cho tay.

Tưới cho hoa: Cứ mỗi lít nước ấm, cho 3 thìa đường và 2 thìa giấm trắng, sau đó đổ vào bình cắm những bông hoa mới cắt. Đường nuôi dưỡng bông hoa và giấm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Bẫy gián: Trộn đường với bột nở và rắc lên những chỗ gián hay tụ tập. Đường sẽ thu hút bọn gián, còn bột nở sẽ tiêu diệt bọn chúng. Thường xuyên thay thế hỗn hợp này.

Làm sạch máy xay: Máy xay cà phê hạt và máy xay gia vị thường bị dính rất nhiều loại dầu có mùi mạnh. Đường có thể làm sạch chúng. Cho 1/4 chén đường vào máy xay và để máy chạy trong 2 - 3 phút. Sau đó đổ ra và làm sạch như bình thường.

Tẩy vết ố trên áo: Pha đường vào nước ấm và bôi lên quần áo bị ố, sau đó để như thế trong 1 giờ đồng hồ (hoặc lâu hơn nếu vết ố khó phai) rồi mới giặt như bình thường.

Giữ bánh tươi ngon: Nếu bạn để bánh trong hộp kín với một vài viên đường, nó sẽ tươi lâu hơn. Một số người lại cho rằng dùng đường bảo quản pho mát sẽ ngăn chặn pho mát bị mốc.

Lưu ý khi sử dụng

Đường gây tăng glucoza trong máu, suy nhược và mệt mỏi: Lượng đường trong máu không ổn định sẽ dẫn tới mệt mỏi, đau đầu và thèm ăn đường nhiều hơn. Sự thèm thuồng đó chuẩn bị cho một chu kỳ nghiện đường mà mỗi khi bạn nạp thêm đường, vào cơ thể bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một cách tạm thời. Nhưng chỉ một vài giờ sau, bạn lại cảm thấy thèm đường và đói.

Đường làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim: Những công trình nghiên cứu trên quy mô lớn đã chỉ ra rằng, càng ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng glycemic cao (tác động nhanh chóng đến lượng đường trong máu) trong đó có thức ăn chứa đường thì nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim sẽ càng cao và có thể liên quan đến nhiều loại ung thư.

Đường cản trở chức năng miễn dịch của cơ thể: Những nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng đường ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của cơ thể.

Ăn nhiều đường dễ gây thiếu chất crôm: Nếu bạn ăn quá nhiều đường và các loại thực phẩm giàu hydratcacbon đã qua tinh chế, cơ thể bạn dễ có dấu hiệu thiếu chất khoáng crôm (một trong những chức năng chính của nó là giúp điều hoà lượng đường trong máu). Crôm có nhiều trong các loại thịt, hải sản và thức ăn thực vật. Các loại tinh bột đã qua tinh chế và các loại thực phẩm nhiều hydratcacbon khác đã "cướp" mất nguồn cung cấp crôm trong các loại thực phẩm này.

Đường đẩy nhanh quá trình lão hoá: Một phần lượng đường bạn hấp thụ sau khi vào trong máu cũng trở thành protein. Những phân tử mới này góp phần làm mất đi tính đàn hồi của các mô đang bị lão hoá, từ da cho đến các bộ phận và động mạch. Càng nhiều lượng đường lưu thông trong máu thì càng đẩy nhanh quá trình lão hoá.

Đường gây sâu răng: Với tất cả những tác động nguy hiểm trên của đường, đôi khi chúng ta quên mất tác hại chủ yếu nhất mà nó gây ra. Khi đường bám vào răng, khả năng gây sâu răng của nó cao hơn tất cả các loại thức ăn khác.

Đường dễ gây bệnh răng lợi, từ đó có thể dẫn đến bệnh tim: Việc nhiễm trùng lặp đi lặp lại như nhiễm trùng lợi là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển bệnh liên quan đến động mạch vành.

Đường ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng: Ở những người ăn nhiều đường, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, phốt pho, magiê và sắt. Thật trớ trêu là những người hấp thụ nhiều đường nhất lại là trẻ em và thanh thiếu niên, những cá thể cần đến nhiều chất dinh dưỡng nhất.

Đường gây stress: Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến việc kích thích các hormone gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên học cách kiềm chế trước các món ăn ngọt ngào đó.