Mận

Giá trị dinh dưỡng

Mận hay còn gọi mận bắc là một loài cây rụng lá nhỏ bản địa tại miền bắc Việt Nam và Trung Quốc thuộc Chi Mận mơ. Nó cũng được trồng trong các vườn cây ăn quả ở miền bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc. Mận cùng thuộc phân chi Prunus của chi Prunus với một số loài khác như mơ ta (cũng được trồng tại miền bắc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên), mận gai, mận anh đào, mận châu Âu... Quả mận là loại quả hạch có đường kính 4-7 cm và có thịt màu hồng-vàng; quả có thể được thu hoạch vào mùa hè. Khi chín, có thể ăn sống quả. Ngoài ra, có thể làm ô mai hoặc ngâm lấy nước uống.

Công dụng

Thanh lọc máu: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng cung cấp chất xơ dồi dào của mận giúp ngăn ngừa vón cục tiểu cầu, một trong những nguyên nhân gây các bệnh rối loạn máu như xơ cứng động mạch và cao huyết áp. Mận còn giúp thanh lọc máu bằng cách cung cấp thêm ô xi, bởi vậy được các bác sĩ khuyên dùng cho những người có nguy cơ đột quỵ hay bệnh tim liên quan tới động mạch vành. Mận còn tăng cường chức năng gan và dạ dày và ngăn ngừa táo bón.

Giảm lượng Cholesterol trong máu: Chất xơ trong mận là chất xơ hòa tan, có khả năng kết lại với cholesterol và thúc đẩy quá trình đào thải cholesterol đó ra khỏi cơ thể. Loại chất xơ này còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ slucose. Một trong những cách tốt nhất để tận dụng mọi chất dinh dưỡng có trong mận là cắt nhỏ 2 quả mận và trộn cùng một bát cháo yến mạch.

Làm sáng mắt: Mận mang lại một đôi mắt sáng nhờ hàm lượng cao vitamin A giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và chống lại các vi khuẩn gây hại. Ăn mận đều đặn đã được chứng minh có tác động tích cực lên sức khỏe của đôi mắt.

Giàu chất chống ô xi hóa: Một vài nghiên cứu gần đây tại phương Tây đã cho thấy rằng mận có khả năng chống lại ung thư bởi có chứa hàm lượng chất chống ô xi hóa rất cao. Mận đặc biệt có tác dụng tích cực tới những bệnh nhân mắc ung thư hoặc bệnh tim bởi các chất chống ô xi hóa trong mận có tác dụng chống lại và tiêu diệt các gốc tự do gây hại.

Tóc khỏe da đẹp: Thời tiết mùa hè nắng mưa thất thường, các chị em thường rất quan tâm tới việc chăm sóc làn da sạm đi vì nắng và mái tóc khô cứng thiếu sức sống. Với hai vấn đề về da và tóc thì mận có thể xử lý cả hai với những chất dinh dưỡng tuyệt vời mà nó có. Chỉ cần 2 quả mỗi ngày để có một làn da và mái tóc đẹp hơn.

Cách chọn

Khi chọn mận, không chọn quả bị trầy xước. Chọn quả có lớp vỏ căng mọng, nhẵn bóng. Quan sát phần trên đỉnh nếu còn cuống tươi hoặc cả là nguyên chùm sẽ tốt hơn là mận đã để lâu. Khi mua mận, không nên chọn quả quá xanh hoặc quá chín. Chọn quả mận trên vỏ có cả màu hơi xanh và đỏ đan xen, đến khi ăn chín đều là vừa.

Chọn những quả mận đều nhau, căng tròn, không bị méo mó. Thêm vào đó, quả mận nên phủ lớp phấn trắng chứng tỏ mận mới hái xuống sẽ tươi ngon hơn. Những quả mận mềm, nhũn, nhấn bị nát vỏ là mận đã để lâu hoặc gần hỏng.

Lưu ý khi sử dụng

Người đang dùng thuốc: Những người đang phải điều trị bệnh bằng thuốc không nên ăn mận, bởi những chất dinh dưỡng trong mận có thể tác dụng với một số loại thuốc và làm giảm tác dụng chữa bệnh.

Người bị bệnh thận: Trong mận có chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn quá nhiều, chất này sẽ gây cản trở hấp thụ canxi trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.

Người bị nhiệt, nóng: Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt…

Người bị bệnh dạ dày: Mận có tính axít cao nên có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là ăn mận khi đói có thể gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu.

Phụ nữ có thai: Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Người bị tiểu đường: Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn mận đã chín vì chất đường trong mận có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.