Làm gì khi trẻ có sở thích "ăn lạ"

Thứ Ba, 21/08/2012 09:42

2,497 xem

0 Bình luận

(0)

2876

Chăm con đã khó nhưng với những trẻ kén ăn thì việc này còn khó hơn rất nhiều. Một số trẻ còn có sở thích ăn uống rất "lạ", các bà mẹ có nên chiều theo sở thích này của trẻ?

Cơm với đường

Sở thích của bé: trộn đường vào cơm, càng ngọt càng tốt và ăn như bữa cơm bình thường.

Ý kiến chuyên gia:


Trộn đường vào cơm sẽ hình thành cho bé thói quen thích ăn ngọt, không tốt cho sức khỏe, có nguy cơ bị thừa cân – béo phì về sau. Mặt khác, khi ăn ngọt như vậy, trẻ sẽ giảm ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như thịt, cá, trứng, rau, trái cây… làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Từ đó, trẻ dễ bị thừa cân nhưng vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm, vitamin A…) dẫn đến thiếu máu, chậm tăng chiều cao. Hơn nữa, ăn quá ngọt cũng là yếu tố dẫn đến bị sâu răng nếu trẻ không được chăm sóc răng miệng cẩn thận.

Thói quen ăn uống lệch lạc như vậy cũng làm cho trẻ khó hòa nhập cộng đồng về sau.

Cơm với cà phê


Sở thích của bé: cho một muỗng cơm vào miệng rồi múc một muỗng cà phê đá ăn như canh. Tuy nhiên, cà phê này phải được pha ngọt.

Ý kiến chuyên gia:

Cà phê không phải là thức uống cho trẻ, dù với lượng nhỏ. Sử dụng cà phê thường xuyên sẽ kích thích hệ thần kinh, làm cho trẻ khó ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Khi trẻ ngủ ngon, ngủ sâu thì não sẽ tiết hormon tăng trưởng giúp trẻ cao lớn.

Cơm trộn với trái bơ tươi

Sở thích của bé: bơ trái sau khi lấy hột được dầm ra và trộn đều với cơm rồi ăn.

Ý kiến chuyên gia:

Bơ trái là thực phẩm bổ dưỡng, giàu năng lượng do có nhiều chất béo (chủ yếu là chất béo không no), giàu kali, giàu vitamin nhóm B, vitamin E & vitamin K... nên là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nếu bé ăn cơm với bơ nhưng vẫn không giảm những thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, rau… thì vẫn có thể chấp nhận được tuy cách ăn có hơi… lạ. Dần dần, nên tập cho trẻ ăn bơ như là món ăn tráng miệng sau bữa cơm để bé có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác trong bữa ăn chính.

Cơm trộn phô mai

Sở thích của bé: phô mai được trộn vào cơm thành hỗn hợp cơm trộn.

Ý kiến chuyên gia:

Phô mai là sản phẩm được chế biến từ sữa, giàu đạm, nhiều chất béo, giàu canxi và các loại vitamin nhóm B, vitamin A nên đây là thực phẩm rất tốt cho trẻ. Trong trường hợp bé quá kén ăn và việc trộn phô mai vào cơm giúp bé ăn tốt hơn thì vẫn có thể cho bé ăn như vậy trong một giai đoạn. Tuy nhiên, phô mai không chứa nhiều chất sắt. Do vậy, trẻ cần ăn bổ sung những thực phẩm giàu sắt như thịt, cá, gan, trứng, rau xanh…

Dần dần, nên tập cho bé ăn riêng phô mai, tách ra khỏi bữa ăn chính vì canxi trong phô mai có thể cạnh tranh hấp thu với chất sắt có trong thịt cá của bữa chính nên sẽ làm giảm hấp thu cả hai chất này.

Cơm trộn với chuối


Sở thích của bé: chuối chín (chuối già, chuối xiêm hay chuối cau) trộn vào cơm ăn như ăn với bơ.

Ý kiến chuyên gia:

Chuối là loại trái cây giàu chất xơ, giàu kali, vitamin C nên rất tốt cho mọi người. Đối với bé ít ăn rau thì việc ăn cơm với chuối cũng giúp cung cấp thêm vitamin và phòng tránh táo bón. Tuy nhiên, bé cần được ăn thêm thịt, cá, trứng là các thực phẩm giàu đạm thì mới có thể tăng trưởng tốt.

Cơm với nước lọc

Sở thích của bé: chan nước lọc vào cơm như ăn cơm với canh.

Ý kiến chuyên gia:

Việc vừa ăn cơm vừa uống nước sẽ làm cho bé mau đầy bụng nên sẽ ăn ít. Uống nhiều nước trong lúc ăn cũng sẽ làm dịch vị loãng ra nên việc tiêu hóa thức ăn sẽ chậm hơn. Khi ăn cơm, việc quan trọng là tập cho bé nhai thật nhuyễn trước khi nuốt. Thói quen ăn cơm chan canh (hay nước) sẽ làm cho bé nhai "trệu trạo" rồi nuốt. Khi đó, thức ăn chưa được nghiền kỹ. Cách ăn như vậy sẽ làm cho bé khó tiêu.

Cơm với nước tương

Sở thích của bé: ăn cơm với nước tương

Ý kiến chuyên gia: Nước tương là một loại gia vị mặn và hầu như không có dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đã gọi là gia vị thì chỉ nên sử dụng ít để bữa ăn có thêm hương vị thơm ngon. Nếu ăn cơm với nước tương mà không có thịt, cá, trứng, đậu hũ, rau xanh… kéo dài nhiều ngày sẽ dẫn đến thiếu chất đạm, sắt, kẽm, vitamin A và các vi chất dinh dưỡng khác. Do đó, trẻ sẽ chậm tăng trưởng, cơ nhão, thiếu máu, sức đề kháng giảm nên dễ bị bệnh và trẻ sẽ lại càng biếng ăn hơn.

Thói quen ăn mặn cũng không tốt cho sức khỏe và sẽ làm tăng gánh nặng cho thận do phải làm việc nhiều.

Nước tương là một loại gia vị mặn nên khi sử dụng thường xuyên thì lượng muối iốt dùng cho bữa ăn sẽ ít lại hoặc không có. Sử dụng muối iốt thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày là cách phòng ngừa thiếu iốt tốt nhất cho mọi người (nhưng không ăn mặn). Iốt là chất cần cho sự phát triển trí não và thể chất của trẻ. Do đó, nếu bị thiếu iốt, trẻ sẽ kém thông minh và tăng trưởng chậm.

Ăn cơm không

Sở thích của bé: Ăn cơm, không kèm thức ăn

Ý kiến chuyên gia: Một số trẻ không thích ăn cơm cùng thức ăn. Khi đó, trẻ có thể chỉ ăn cơm không rồi bổ sung những thức ăn khác một cách riêng biệt. Nghĩa là trẻ có thể ăn một cái trứng luộc, hoặc vài con tôm hấp, miếng cá chiên, cái đùi gà rán, cái hột vịt lộn… riêng biệt với bữa cơm cũng vẫn được. Miễn sao trẻ vẫn nhận đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu hàng ngày là được. Nếu trẻ không chịu ăn rau thì có thể cho trẻ ăn trái cây nhiều hơn một chút. Dần dần, tập cho trẻ thói quen ăn rau hàng ngày.

(Theo Bau.vn)

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading