Hội An - nét hoài niệm

Thứ Năm, 30/08/2012 10:44

1,900 xem

0 Bình luận

(0)

3511

Hội An nổi tiếng với rất nhiều món ăn dân dã rất nổi tiếng như cao lầu, cơm gà, bánh xèo... mang đặc trưng của văn hóa phố cổ khiến ai đã từng đến đây đều nhớ.
Trong các địa danh du lịch, Hội An là nơi tôi yêu mến nhất. Phố cổ đã quyến rũ tôi từ những căn nhà gỗ mái ngói rêu phong, thấp thoáng đâu đó là tia nắng phản chiếu từ sông Hoài dịu dàng uốn khúc ôm trọn thị trấn nên thơ...

Trở lại Hoài phố sau gần một năm xa cách, dù bị cái nắng tháng hè chói chang chiếu rọi khiến tôi bị lả người nhưng niềm vui thích được thăm viếng khu phố cổ mà UNESCO trân trọng xếp vào danh sách di sản của thế giới đã làm tôi tạm quên những mệt mỏi. Ấn tượng hơn, những con đường của khu phố cổ trông thật gọn gàng, ngăn nắp. Điều này làm thỏa lòng của những du khách quốc tế khi tôi nghe họ thảng thốt kêu lên : “Ồ! Nơi đây thật tuyệt vời làm sao!”. 

Cao lầu phố Hội

Ẩm thực Hội An chính là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn thơ cùng các đầu bếp nổi tiếng phải lặn lội ra thăm xứ này và học hỏi những bí quyết riêng của người dân phố cổ. Trong đó món ngon nức tiếng phải kể đến là cao lầu. Lần đầu tôi được ăn món này là ở tiệm Trung Bắc có độ tuổi hơn một thế kỷ. Dù đã dò hỏi thật kỹ nhưng hầu như không ai biết tại sao chỉ ở Hội An mới có món cao lầu mà ý nghĩa thì chẳng ai có thể giải thích được. Cao lầu nhìn thoáng qua thì như mì Quảng, nhưng nét lạ là ăn khô với những lát thịt heo xá xíu thái mỏng kèm một ít rau sống sợi nhỏ, phía dưới là giá, chén nước lèo nóng để riêng với chút hành, tiêu rắc trên mặt, mới nhìn thấy là nước miếng ứa đến tận chân răng. Hình như người Hội An bán món này để du khách ăn chơi cho biết vị, vì thế khi vào quán gọi tô cao lầu nhưng nếu gắp đúng thì chỉ chừng 3 - 4 đũa là sạch bát. Trò chuyện cùng người chủ quán là truyền nhân đời thứ 5 của quán, tôi được biết thêm: "Nếu muốn biết món ngon cỡ nào thì khi ăn phải thiếu một tí mới thấy vẫn còn thèm và ước ao mình có dịp đi ăn lần sau, nếu ăn nhiều sẽ đâm ngán và không còn thấy vị ngon của cao lầu trên đầu lưỡi nữa".

Hầu như nhà nào ở Hội An cũng biết làm cao lầu. Tuy nhiên, có tự tay làm thì mới thấy đầy nhiêu khê vất vả vì sợi cao lầu không thể tráng bằng bột gạo thông thường như cách làm bún hay mì tươi. Để làm được cao lầu, người Hội An ngâm gạo với nước tro từ củi gỗ Cù lao Chàm trộn cùng nước giếng Bá Lễ, muốn có được sợi mì cao lầu đúng chất, người dân phố cổ phải trải qua ba lần lửa thì mới ra lò những sợi mì ngon giòn và định vị thành một thương hiệu lâu đời cho Hội An.

Những gánh hàng rong

Du lịch phố Hội, tôi thích để những bước chân vô định lạc vào những con hẻm quanh co nho nhỏ. Đâu đó trong buổi trưa hè chợt nghe tiếng rao ngọt ngào của một chị bán chè sen đường phèn, lời rao này làm tôi nhớ cách đây 20 năm khi lần đầu thăm đất Hội An, tôi từng gặp một ông cụ gánh hàng rong cứ ba bước lại rao “Lục tàu xá ơ…Chí mà phù...ơ ” mà sau này hỏi lại tôi mới biết đó là món chè tàu xá và mè đen. Mè đen là mè xay nhuyễn nấu với đường phèn còn tàu xá là đậu xanh đãi vỏ hầm nhừ, cho thêm bột báng, trần bì (vỏ quýt khô) và đường phèn để ăn cho mát. Cách nấu tuy đơn giản nhưng nhờ cách nêm nếm của người Hội An đã làm món chè này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Giữa buổi trưa hè nóng bức, được nhâm nhi chén chè tàu xá chín đặc quánh ngả vàng, điểm lên những hạt trắng li ti của bột báng, thêm mấy lát trần bì trông thật bắt mắt. Bí quyết khiến tàu xá ngon miệng chính là vị trần bì, nếu thiếu nó thì tàu xá không khác gì các loại chè đậu xanh hay chè bột báng thông thường. Chè tàu xá có mùi thơm lạ, múc muỗng chè đưa vào miệng nếm thử, bạn mới cảm hết được hương vị độc đáo hòa quyện giữa vị ngọt thanh, bùi mát, beo béo… thật là khoái khẩu.

Về các món ăn chơi, Hội An cũng được ghi điểm với các món ăn từ những gánh hàng rong. Xưa kia, vùng đất này là điểm dừng của người dân đến từ khắp nơi như Việt, Chăm, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha... đã hội tụ và cư ngụ nhiều thế kỷ. Vì vậy, ở đây có nhiều thứ bánh rất độc đáo, mang hương vị phảng phất hồn riêng của mỗi quốc gia nhưng theo thời gian đã bị Việt hóa ít nhiều. Viếng Hội An, tôi thường thả bộ đi tìm những gánh hàng rong bán bánh đậu xanh ướt có nhân thịt ăn rất ngon miệng và giá cả thì rất rẻ. Riêng các du khách Tây lại chuộng món bánh có tên khá lãng mạn là “Hoa hồng trắng” (La rose blanche). Món bánh này phải ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Nghe nói công thức làm bánh này là một bí mật gia truyền vì tất cả các nhà hàng của Hội An đều nhận bánh từ một gia đình có đến 6 đời cha truyền con nối. Như tên gọi, miếng bánh trông thật thanh mảnh đến nỗi chẳng ai nỡ gắp ăn vội vì phải để dành ngồi ngắm cho đỡ thèm. 

Nhiều thế kỷ trôi qua, tuy cảnh vật thay đổi không còn như xưa, nhưng Hội An vẫn luôn là vùng quê lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất mà các du khách thường mang giấc mơ ao ước được trở lại. 

(Theo Dulich)

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading