Dinh dưỡng cho con đến trường những ngày đầu tiên
Để chuẩn bị bước vào năm học mới, ngoài việc trang bị cho con những kỹ năng mềm như cách tự vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, xếp quần áo, đồ chơi... các mẹ còn cần chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho bé.
Bệnh lười đến trường của các nhóc mầm non thường được cha mẹ "chuẩn đoán" là do trẻ đã quen cách sống thoải mái ở nhà, ngại bị gò bó, khuôn phép. Ít ai biết con sợ đi học phần lớn là vì chưa biết xử lý các tình huống như bị bạn bắt nạt, giành đồ chơi, không biết sử dụng trang thiết bị ở lớp học khi không có cô giáo…
Vì vậy, để con hăng hái ngay từ đầu năm học, bên cạnh việc động viên, cha mẹ nên tích cực trang bị cho con khả năng xử lý vấn đề. Khi chứng kiến trẻ nỗ lực học cách giải quyết mà xoay sở mãi không xong với các tình huống đơn giản, mẹ nên đặt ngay dấu chấm hỏi cho chế độ dinh dưỡng hiện tại của con.
Rất nhiều bà mẹ mắc sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng cho con khi trẻ quay lại trường. Lo bữa ăn ở trường không cung cấp đủ dưỡng chất, mẹ cố gắng "trang bị" cho con khá nhiều thức ăn kèm theo khi đi học. Điều này là không cần thiết bởi các bữa ăn ở trường thường đủ cho sự phát triển thể chất của bé, các mẹ chỉ nên tăng cường dưỡng chất tốt cho não bộ của con.
Trẻ mẫu giáo thường hay bắt chước người lớn, vì vậy khi về nhà, bạn nên cho con ăn cùng với mình càng nhiều càng tốt để có thể cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con. Đây cũng là thời gian tốt để dạy cho con kỹ năng lựa chọn thực phẩm và chuẩn bị bữa tối.
Đây cũng là giai đoạn trẻ trưởng thành hơn, biết chú ý những gì bạn bè đang ăn và ăn thức ăn ở bên ngoài. Các nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ em ở giai đoạn này thường nạp vào nhiều lượng chất béo bão hòa, đường từ thức ăn, nước ngọt. Điều quan trọng là bạn cần bổ sung đầy đủ những dưỡng chất quan trọng cho trí não như omega 3 và 6.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với ở trẻ sơ sinh song trẻ em độ tuổi tiểu học vẫn có nhu cầu dinh dưỡng cao. Vì vậy, tất cả các bữa ăn vẫn phải giàu chất dinh dưỡng và năng lượng. Sự lựa chọn thực phẩm cho trẻ em giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và thói quen ăn uống sau này của bé. Ở khía cạnh dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ không chỉ bổ mà phải ngon do nhu cầu ẩm thực của trẻ đã định hình rõ ràng, đòi hỏi cách chế biến của mẹ cũng phải cầu kỳ và chăm chút hơn.
Việc lập ra kế hoạch ăn uống cho trẻ là rất quan trọng, con của bạn cần cung cấp đủ các nhóm thực phẩm chính. Một nghiên cứu cho thấy, trẻ ở độ tuổi đến trường thường không được cung cấp đủ là các vitamin E (có nhiều trong các loại hạt, hạt giống và các loại dầu thực vật), can-xi (các sản phẩm từ sữa), ma-giê (các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, đậu), ka-li (sữa, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt) và chất xơ (đậu, ngũ cốc, trái cây và rau quả). Vì vậy, bạn cần chú ý cho con ăn những loại thực phẩm giàu những dưỡng chất này.
Một điều đang lưu ý là trẻ ăn tối cùng với gia đình thường xuyên có chế độ ăn tốt hơn và trọng lượng thấp hơn so với những trẻ khác. Bạn nên cho trẻ ăn trái cây và rau củ trong mỗi bữa ăn tối cùng với gia đình. Đa số trẻ em và người lớn không tiêu thụ đủ DHA và EPA (là acid béo thiết yếu để chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng), thuộc omega 3 và 6 từ các nguồn cá. Nếu bạn và con bạn không ăn cá một vài lần mỗi tuần thì nên tìm loại thực phẩm bổ sung khác.
(Theo vnexpress)
Danh mục bài viết Mẹ và Bé
Bình luận