Mì chính có gây tác dụng phụ?

Thứ Hai, 17/12/2012 09:10

2,090 xem

0 Bình luận

(0)

2847

Có rất nhiều tranh cãi rằng mì chính gây tác dụng phụ đối với người sử dụng. Vậy thực tế đằng sau những tranh cãi đó là như thế nào? Liệu mì chính có gây tác dụng phụ cho người sử dụng hay không chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cụm từ “Hội chứng Nhà hàng Trung Quốc (CRS)” xuất hiện lần đầu tiên năm 1968 khi bác sĩ Robert Ho Man Kwok gửi lá thư cho Tổng biên tập tờ báo New England Journal of Medecine mô tả về các triệu chứng ông gặp phải sau khi ăn bữa ăn tại một nhà hàng Trung Quốc như: mỏi gáy, mệt mỏi, tim đập nhanh. Các triệu chứng đó biến mất hoàn toàn sau 2 giờ ăn thực phẩm. Bác sĩ Kwok không biết rõ nguyên nhân nhưng ông đã giả định rằng có thể do một vài thành phần hay được sử dụng trong các món ăn Trung Quốc như: rượu, nước tương, muối hay mì chính (bột ngọt).

Mì chính được sử dụng phổ biến trong món ăn của người Hoa

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân và các nghiên cứu trước tiên được thực hiện trên mì chính. Rất nhiều mô hình nghiên cứu được thực hiện đã dẫn tới những kết quả không chính xác và gây nên tranh luận trong giới khoa học nửa cuối thế kỷ XX. Chính vì vậy, năm 1995, Hiệp Hội Sinh học Thực nghiệm Hoa Kỳ (FASEB) của Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (US FDA) đã đưa ra những khuyến cáo trong việc tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân của hội chứng nhà hàng Trung Quốc. Năm 2000, một nghiên cứu xuất sắc được thực hiện bởi nhà khoa học Geha, trong đó thiết kế nghiên cứu dựa vào những khuyến cáo của FASEB, sử dụng mô hình mù kép, có đối chứng giả dược và nghiên cứu tại các giai đoạn khác nhau đã cho thấy mì chính không phải là nguyên nhân của cái gọi là “Hội chứng Nhà hàng Trung Quốc”.

Từ cái gọi là “Hội chứng Nhà hàng Trung Quốc” đã dẫn tới những hiểu nhầm rằng mì chính là một thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên, theo Ủy ban tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) thì mì chính không nằm trong danh sách những chất gây dị ứng.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phân biệt rõ hai hiện tượng có cơ chế hoàn toàn khác nhau, nhưng đôi khi lại có những biểu hiện gần giống nhau, đó là: “Dị ứng thực phẩm” và “Không chấp nhận thực phẩm”. “Dị ứng thực phẩm” là một đáp ứng của hệ miễn dịch cơ thể, chính vì thế người thật sự dị ứng với một thực phẩm nào đó sẽ xuất hiện ngay các triệu chứng khi ăn 1 lượng dù rất nhỏ thực phẩm đó. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 2 – 4% (đối với người lớn) và 6 – 8% (đối với trẻ em) dân số thế giới thật sự dị ứng với nhóm thực phẩm nhất định.

Ngược lại, hiện tượng “Không chấp nhận thực phẩm” là sự mẫn cảm của hệ tiêu hóa với một hoặc vài thành phần thực phẩm và chỉ xảy ra khi những thực phẩm đó được đưa vào cơ thể với liều lượng cực lớn; một số người có thể có tính không chấp nhận thực phẩm với bất kỳ loại thực phẩm nào như bia, rượu, mì chính hay cà phê... Do đó, tính “Không chấp nhận thực phẩm” phổ biến hơn tính “Dị ứng thực phẩm” và những triệu chứng của hiện tượng này chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thạc sỹ - Bác sỹ Lưu Thị Mỹ Thục
Trưởng hoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi TW

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading