Hiếm hoi trái ươi rừng
Từ nhiều năm nay rừng Đồng Nai đã đóng cửa. Người "làng rừng" vùng chiến khu Đ không còn mấy ai được vào lượm trái ươi rụng đầy dưới gốc cây khi ve sầu bắt đầu cất tiếng hát. Nhưng không phải năm nào cũng có, "mùa ươi" có khi hai, ba năm mới trúng một lần. Do vậy, trái ươi ngày càng đắt đỏ. Người viết đã một lần được theo chân các cán bộ kiểm lâm của Lâm trường Vĩnh An cho vào rừng để săn ươi. Nói là săn bởi vì trái ươi đã hiếm lắm rồi. Để hái trái còn tươi nguyên, các thợ săn phải leo lên cây bẻ cả nhánh cây.
Ươi là loại thân cây to, cao cả chục mét. Do vậy, để bẻ được nhánh, thợ săn leo trèo giỏi. Mỗi cây có thể cho từ 30 - 50kg trái ươi tươi. Trái ươi tươi đem về phơi vài nắng, khô lại còn bằng đầu ngón tay giữa của người lớn thì có thể cất vào nơi khô ráo hàng tháng có khi vài năm vẫn không bị hư.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ từng sinh sống, hoạt động ở Chiến khu Đ còn nhớ, có một thời kỳ chiến tranh ác liệt, điều kiện sống rất thiếu thốn, khó khăn nên trái ươi trở thành thứ đặc sản mà chỉ khi có khách quý mới mang ra đãi. Trái ươi có đặc điểm đụng vào nước, nhất là nước ấm thì mau nở ra. Sau khi bóc bỏ phần vỏ và hạt, thì trái ươi gần giống như mủ gòn. Nhiều người thường trộn ươi với hạt é, bỏ thêm ít đường vào làm nước giải khát. Hạt ươi đem rang lên, xay ra hòa với nước uống trị nấc cụt và "tào tháo rượt" dứt cơn nhanh chóng.
Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam
Bình luận